Thursday, May 10, 2018

ÔNG CỐ VẤN : HUỲNH VĂN TRỌNG LÀ AI ?

Kính gởi Anh Năm,
(để kỷ niệm một thời tận tụy cho Tổ Quốc)

 BBT: Từ đầu năm 1970, chúng ta được nghe một sư kiện hết sức quan trọng và thích thú: Cố vấn của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Huỳnh văn Trọng đã bị bắt vì tội làm gián điệp cho Cộng sản Bắc Việt. Cùng bị bắt với ông, còn có tên Vũ ngọc Nhạ và hơn 20 đồng bọn khác, đang hoạt động nội tuyến trong bộ máy công quyền của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
 Ngoại trừ những người trong cuộc, đã đóng góp công sức trong việc phá vỡ tổ chức này, còn những người khác chỉ nghe một cách mơ hồ, từ đó nãy sinh biết bao nghi vấn, mà ở một đất nước đang có chiến tranh, những nghi vấn thường được khai thác, thêu dệt bởi những thành phần cầu an, phản chiến, kể cả kẻ thù là bọn cộng sản nằm vùng. . .
 Bài viết này ra đời sau bao nhiêu đắn đo của tác giả cùng với những yêu cầu của BBT, vì chúng tôi thấy đã quá trể để nói lên những sự thật mà chúng ta cần biết.
 Chúng ta đã nhận diện kẻ thù, chúng ta không thể không có những câu hỏi tiếp theo: “Số phận của Huỳnh Văn Trọng sau tháng 4 năm 1975 ra sao ?  còn sống hay đã chết? và . . .”
 Chúng tôi xin trả đất lại cho tác giả . . .

- & -
 I.- NỘI DUNG SỰ VIỆC :
 Trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, có một đơn vị chuyên đảm trách nhiêm vụ An ninh và Tình báo, đó là ngành Đặc Biệt. Phương tiện chánh yếu để thu lượm tin tức, từ bạn cho tới kẻ thù, ngành Đặc Biệt đã xử dụng những mạng lưới mật báo trên khắp mọi địa bàn, mọi tổ chức, từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, cái nôi của bọn Cộng sản Việt Nam. . .
 Vào trung tuần tháng 6 năm 1968, theo báo cáo của Tình báo viên Z.23, sau nhiều lần đến sửa nhà cho tên Thúy tại hẻm không số đường Bạch Đằng, Gia định, đương sự đã được tên này tin tưởng và tiết lộ nhiều tin tức liên quan đến các hoạt động của Việt cộng tại miền Nam Việt Nam. Y đặc biệt đề cao sự giúp đở của hai nước đàn anh Liên sô và Trung cộng cho Cộng sản Bắc Việt và hết sức ca ngợi những chiến tích của bọn Cộng sản xâm lược tại miền Nam. Y còn khoát lát khoe khoang là hiện nay cách mạng đã có mặt hầu hết mọi nơi trong các phủ bộ chánh yếu của Việt Nam Cộng Hòa, do đó, mọi tin tức dù bí mật đến đâu, bọn chúng cũng đều nắm vững và kịp thời báo cáo về cấp trên để có biện pháp đối phó.
 II.- KẾT QUẢ ĐIỀU TRA:
 Qua báo cáo sự việc, S2B nhận thấy đây có thể là một đầu mối khả tín, vì qua những lần thử thách trước đây, Tình Báo Viên (TBV) thường cung cấp nhiều tin tức có giá trị cao, nên đã bí mật mở cuộc điều tra, để tìm hiểu về lai lịch của tên Thúy, cùng tất cả những dữ kiện liên hệ tới thân nhân, bạn bè, nghề nghiệp v.v. . .
 Kết quả điều tra sơ khởi, ghi nhận tên thật của y là Lê hữu Thúy, cư ngụ tại . . . đường Bạch Đằng, Gia Định, hiện làm việc tại Bộ Chiêu Hồi, với chức vụ là Đổng Lý Văn phòng. Qua toán giám thị báo cáo, hàng ngày y đi làm bằng chiếc xe Mobylette tự động màu xanh xám, loại xe mà các cán bộ Tình báo Cộng sản thường dùng theo kinh nghiệm đánh phá các tổ chức tình báo chiến lược trước đây mà S2B được biết. Phải chăng Lê hữu Thúy không thoát khỏi thông lệ này. Theo tiền tích ghi nhận, tên Thúy trước đây, thời đệ nhất Cộng Hòa, đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt miền Trung bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp, dưới quyền điều khiển của tên đại tá Lê Câu, Cục trưởng Cục Tình Báo miền Nam của Cộng sản.
 Tưởng cũng cần nói thêm, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, phối hợp cùng Ty Công An Huế, đã bắt trọn đám gián điệp của Cộng sản. Các tên như Lê hữu Thúy, Vũ ngọc Nhạ, Vũ hữu Ruật, Huỳnh văn Trọng. . . bị bắt tại Huế, còn tên đầu sỏ Lê Câu, cấp bậc Đại tá, bị bắt tại Saigon. Sau đó, bọn này bị đưa ra tòa, và đang thụ hình tại Côn đảo thì cuộc đảo chánh 1/11/1963 xảy ra. Do sự cứu xét của Hội Đồng Cách Mạng, do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu, tất cả số này và những tù Cộng sản khác đều được trả tự do, ngược lại, những người có công trong việc truy bắt bọn Cộng sản, không chỉ riêng vụ này, đều bị bắt vô tù, kể cả Ông Tổng Giám Đốc Cảnh Sát và Công An thời đó là Đại Tá Nguyễn văn Y.
 Với kết quả ghi nhận, dù ngắn gọn, nhưng cũng đủ cho S2B đánh giá, có thể tên Thúy đang tái hoạt động cho Cộng sản. Nhưng để xác định về tổ chức, thành phần nhân sự . . . của nhóm này, còn cần có nhiều thời gian điều tra, theo dõi tiếp. Một toán giám thị đặc biệt, gồm toàn những cán bộ giỏi của S2B đã được bố trí giám sát chặt chẽ mọi hành tung thường nhật của tên này 24/24 giờ. Đồng thời lợi dụng ưu thế xâm nhập, nhờ tình báo viên Z.23 đã được tên Thúy tin tưởng, giao sửa những hư hỏng vặt vảnh trong nhà, S2B đã hướng dẫn TBV Z.23 bí mật lắp đặt một hệ thống nghe lén để ghi tất cả nội dung các cuộc tiếp xúc của mục tiêu với những phần tử liên hệ trong tổ chức.
 Sau một thời gian theo dõi, S2B đã phát hiện được một mục tiêu rất đáng quan tâm. Ngày . . . tháng . . . năm 1969, mục tiêu đến tiếp xúc với tên Thúy vào lúc 8 giờ tối, cũng xử dụng chiếc xe Mobylette màu xanh xám. Hai bên đã bàn thảo nhiều về tình hình chính trị Thế Giới, trong đó có sự thắng thế của khối Cộng sản Quốc tế, cầm đầu là Liên Sô, thế mạnh của Cộng sản Việt Nam trong khối thứ 3, những chiến thắng dồn dập của Việt cộng tại miền Nam v.v. . . Trong đó có đề cập tới ưu thế của Cộng sản Bắc Việt trong bàn Hội nghị sắp diễn ra tại Paris vào đầu nam 1969. Rõ rệt đây là sinh hoạt nội bộ của cấp cơ sở và tên lạ mặt này chắc chắn là một cấp chỉ huy của Lê hữu Thúy. Vậy y là ai ? Đang làm gì, ở đâu ?
 Kết quả điều tra sau đó, cho biết kẻ lạ mặt này tên là Vũ ngọc Nhạ, với tiền tích hoạt động như sau :
 - Trước đây, y nguyên là Tổ trưởng điệp báo Cộng sản, dưới quyền điều khiển của tên Lê Câu, Đại tá Cục Trưởng cục Tình báo miền Nam, đã bị Đoàn Công tác Miền Trung và Ty Công An Tỉnh Thừa Thiên bắt giữ thời Đệ nhất Cộng Hòa và được phóng thích sau cuộc đảo chánh 1/11/1963. Sau đó, tên này tiếp tục sống dưới danh nghĩa của một nhà giáo và được che chở với chiêu bài của một tín đồ ngoan đạo, y tìm cách xâm nhập vào sinh hoạt của các Linh Mục có thế lực và có quá trình chống cộng tích cực để dễ dàng hoạt động như Linh Mục Hoàng Quỳnh ở giáo xứ Bình An (Quận 7) , Linh Mục Nhuận (?)ở nhà thờ Tân Định, là Cha đở đầu của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.v.v. . . Nhờ giả vờ ăn nói dịu dàng, lễ phép, lại hiểu biết nhiều về tình hình chính trị quốc tế và quốc nội. . . nên được hầu hết các Cha thương mến. Các kế hoạch y đệ trình để “đánh phá” Cộng sản rất được các Linh Mục này chú ý như kế hoạch xử dụng những cựu kháng chiến, những hồi chánh viên có khả năng và kinh nghiệm. . . Mục đích của y là để Cộng sản có dịp cài người của chúng vào sâu trong chánh quyền của ta qua con đường trá hồi chánh sau này. Hầu hết các đề nghị của y đều được các Cha ủng hộ mạnh mẽ và đã lần lượt giới thiệu lên cho Tổng Thống. (Nhờ vậy, sau 30/4/1975 y mới có dịp huênh hoang, tự xưng mình là Cố vấn của Tổng Thống VNCH). Sau đó, mọi hoạt động của bọn này đã được từ từ bao vây và xiết chặt.
 Ngày . . . tháng . . . năm 1969, toán theo dõi phát hiện, mục tiêu xuất hiện từ nhà tại Hàng Xanh Gia Định - dùng xe Mobylette di chuyển về hướng Đại lộ Thống Nhất, chạy thẳng về Dinh Độc Lập, đến cổng sau gởi xe và đi vào bên trong. Độ nửa giờ sau thì trở ra, lấy xe và đi trở về nhà.
 Y đã gặp ai trong đó? Tổ chức này quả có phần lợi hại và là một mục tiêu hết sức hấp dẫn của Khối Đặc Biệt. Có phải chăng chính tên Vũ ngọc Nhạ này là người mà Lê hữu Thúy đã tiết lộ với TBV/ Z. 23 là tổ chức của y đã cài được người vào tận dinh Tổng Thống ? Trong chiều hướng đó, Khối Đặc Biệt nhất định phải vén cái màn bí mật này càng sớm càng tốt.
 Chỉ một thời gian ngắn sau đó, toán theo dõi ưu tú của S2B đã phát hiện được một sự kiện quan trọng :
 Ngày . . . tháng . . . năm 1969, mục tiêu xuất hiện tại nhà, cũng dùng xe Mobylette đi về hướng Saigon. Khi đến góc đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, y ngừng lại, gởi xe và vào nhà hàng Brodard ngồi uống nước và chờ đợi. Độ 10 phút sau, một người đàn ông trạc chừng 60 tuổi, ăn mặc khá lịch sự xuất hiện, đến bắt tay y, rồi ngồi xuống cạnh bên, tay cầm theo một bao thơ lớn màu vàng, khá nặng, dường như có một quyển sách bên trong ( theo báo cáo của toán giám thị ). Hai bên tiếp xúc nhau khoảng nửa giờ thì người đến sau đứng dậy giả từ và để lại bì thơ trên bàn cho tên Nhạ.
 Toán giám thị theo dõi sát tên này. Đương sự đến chiếc xe Citroen loại 2 ngựa màu xám mang bảng số EB . . . đậu bên vệ đường, mở máy, di chuyển về đường Tự Do, đến Nhà Thờ Đức Bà thì chạy về hướng Nguyễn Du, sau đó quẹo về đường Huyền Trân Công Chúa, tức ngả sau Dinh Độc Lập và chạy thẳng vào bên trong.
 Không còn nghi ngờ gì nữa. Mục tiêu này chắc chắn phải có sự liên hệ mật thiết với Vũ ngọc Nhạ. Dồn hết mọi nổ lực, các chiến sĩ vô danh Cảnh Sát Quốc Gia quyết định phải biết cho kỳ được nơi cư ngụ của mục tiêu quan trọng này. Đến 8:30 giờ tối, mục tiêu trở ra, hướng về đường Tự Do, đến số . . . thì dừng lại, tắt máy xe Citroen, lên lầu, đến phòng số . . . thì mở cửa vào trong. Đến khoảng 10 giờ thì tắt đèn. Đây là nơi cư ngụ của mục tiêu.
 Sưu tra tờ khai gia đình, ghi nhận chủ hộ có tên là Nguyễn văn Tư. Kết quả sưu tra văn khố, đương sự vô danh. Qua cách phục sức, luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, lúc nào cũng thắt cà- vạt, thỉnh thoảng lại mặc áo Veston đi làm, chứng tỏ mục tiêu không phải là một “nhân vật tầm thường”, ít ra cũng thuộc hàng Chủ sự hay Chánh Sở gì đó.
 Khối Đặc Biệt đã bí mật chụp ảnh tên này và qua ảnh phóng đại, Trung tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt, xác nhận đây chính là tên Huỳnh văn Trọng, Cố vấn của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, mà có lần, Trung tá Nguyễn Mâu đã được gặp nhân dịp vào dinh Độc Lập yết kiến Tổng Thống Thiệu.
 Kết quả sưu tra hồ sơ Đặc Biệt, ghi nhận trước đây Huỳnh văn Trọng có vào khu theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau bỏ ngũ trở về thành hoạt động trong các đảng phái chính trị tại miền Nam.
 Với một quá khứ mù mờ nhu vậy, tại sao Huỳnh văn Trọng lại lọt được vào dinh Độc lập và làm đến chức Cố vấn cho Tổng Thống? Lẽ ra, với chức vụ quan trong như vậy, y phải được điều tra thật cẩn thận trước khi được tin dùng. Vấn đề điều chuẩn an ninh nhất định không được bỏ qua. Đàng này rất tiếc nhưng không quá muộn, vì dù sao đương sự cũng đang được lọt vào “đôi mắt xanh” của anh em Cảnh Sát Đặc Biệt rồi!


 III.- BIỆN PHÁP DỐI PHÓ:
 Nổ lực tiếp tục điều tra theo dõi 3 mục tiêu đầu sỏ này, S2B ngày càng thu thập them nhiều bằng cớ quan trọng khác, xác nhận cả ba đang cùng nằm trong một tổ chức Tình báo Chiến lược, đã ăn sâu gốc rễ vào dinh Độc Lập. Chúng có cả hộp thư an toàn, hệ thống giao liên vào mật khu và lịch trình tiếp xúc được ấn định trước.
 Nhưng công tác còn cần được nuôi dưỡng thêm một thời gian nữa, vì dù sao, đây chỉ mới là giai đoạn đầu của mục tiêu xâm nhập được đề ra, là bọn đầu não của chúng, Phòng Tình Báo Chiến Lược, thuộc Trung Ương Cục miền Nam, trực thuộc Cục Nghiên Cứu Bắc Việt. Do đó, công tác mang ngụy danh “Đống Đa” được thành hình.
 Để thực hiện kế hoạch này, Khối Đặc Biệt lần lượt làm những việc sau đây:
 - Thứ nhất: Thẩm tra lại sự trung thực của TBV/ Z 23, qua máy kiểm tra nói dối. Kết quả xác nhận những báo cáo của TBV/ Z 23 từ trước đến nay đều ở mức độ cao, khả tín.
 - thứ hai: Báo trình kết quả điều tra sơ khởi lên Thủ Tướng Chính Phủ để có biện pháp. Sau đó, Thủ Tướng Trần thiện Khiêm đã đích thân đến Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (lúc chưa thành Bộ Tư Lệnh) trực tiếp gặp TBV/ Z 23 để hỏi chi tiết nội vụ. Trong tinh thần tiếp xúc cởi mở, trước sự chứng kiến của Chuẩn Tướng Trần văn Hai, Tổng Giám Đốc CSQG lúc bấy giờ và Trung Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt, TBV/ Z 23 đã kể lại tất cả nội vụ. Thủ Tướng lắng nghe mọi chi tiết báo cáo của TBV. Sau cùng, Thủ Tướng Chính Phủ đã đưa ra 2 đề nghị để khích lệ, tùy TBV lựa chọn:
 1/ Sau khi phá vở công tác có kết quả, TBV sẽ được tuyển chọn chánh thức vào làm nhân viên CSQG, ngành Đặc biệt, với ngạch Phó thẩm Sát Viên tập sự (tương đương với Trung sĩ sau này)
 2/ Tình báo viên sẽ được đi du lịch Hoa Kỳ 10 ngày, mọi chi phí Chính Phủ sẽ đài thọ.
 Hai điều kiện dưa ra thật hấp dẫn, nhưng TBV/ Z 23 chẩm rải thưa với Thủ Tướng: “Kính thưa bác, cháu vốn dĩ ít học, không biết chút gì về ngoại ngữ nên không dám đi Mỹ một mình. Sau này nếu cháu làm việc có kết quả, cháu chỉ xin bác cho cháu được thật sự vào làm việc trong ngành Cảnh Sát để có cơ hội tiếp tục phục vụ đất nước, như vậy là cháu mãn nguyện lắm rồi, không dám mơ ước gì hơn nữa”.
 Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, Thủ Tướng nói: “Bác hứa với cháu là nếu cháu làm việc có kết quả, Bác sẽ cho cháu được nhập ngạch thẳng vào ngành CSQG như cháu mong muốn. Chuẩn Tướng Trần văn Hai và Trung Tá Nguyễn Mâu sẽ đích thân làm việc này giúp cháu, cháu cứ yên tâm và làm việc cho tốt”.
 (Tưởng cũng cần nói rõ là một nhân viên Cảnh Sát khi được tuyển dụng vào ngành CSQG, cấp bậc khởi đầu là Cảnh Sát Viên Phù động Đồng Hóa Công Nhật. Với ngạch này, ít nhất là 5 năm sau, nếu chịu khó làm việc, tạo được thành tích đáng kể mới hy vọng được nhập ngạch thực thụ với cấp bậc Phó Thẩm Sát Viên tập sự. Z 23 đã được Thủ Tướng hứa cho nhập ngạch ngay sau khi công tác phá vở có kết quả, quả thực là một tưởng thưởng khá đặc biệt, ít ai được).
 Sau buổi tiếp xúc, gặp gở TBV/ Z 23, Thủ Tướng đã quyết định trình nội vụ lên Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Đây là một sự kiện lịch sử có một không hai trong quá trình hoạt động Tình báo của Khối Đặc Biệt. Thuyết trình viên cho Tổng Thống là Trung Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt.
 Tổng Thống hết sức chú ý, lắng nghe từng chi tiết một. Sắc diện biến đổi từng lúc tùy theo nội dung sự việc mà Trung Tá Mâu trình bày. Sự xúc động nổi lên rõ rệt trên nét mặt đầy âu lo của Tổng Thống: một kẻ địch nguy hiểm đang nằm cạnh mình bấy lâu nay mà mình không hay biết!
 Trải qua gần 3 tiếng đồng hồ căng thẳng đến cực độ, Trung Tá Trưởng Khối đã đi đến kết luận: “Đây là một tổ chức Tình Báo Chiến Lược của Cộng Sản Bắc Việt, đã xâm nhập sâu vào cơ cấu chánh quyền ta qua sự điều khiển trực tiếp của Cục Nghiên Cứu miền Bắc. Tổ chức này hiện nằm trong tay của ta, nhưng Khối Đặc Biệt còn cần thêm một thời gian nữa để thu thập đầy đủ tài liệu và chứng cớ cũng như toàn bộ nhân sự của tổ chức để đánh phá. Đây quả là một thử thách cam go cho cả Khối Đặc Biệt và Tổng Thống, vì nó đòi hỏi một sự cẩn trọng và đấu trí hết sức cam go, chỉ một sơ hở nhỏ cũng đủ gây nghi ngờ cho những tên điệp báo cáo già này và sẽ đưa đến sự đổ vỡ toàn bộ cho công tác”.
 Tổng thống đã hết sức đắn đo suy nghĩ. Các cán bộ Cảnh Sát Dặc Biệt của Trung Tá Mâu có đủ khả năng cán đáng công tác lớn lao và nguy hiểm này hay kgông? Kế hoạch xâm nhập có bảo đảm được an toàn cá nhân cho Tổng Thống? Nỗi lo âu đang canh cánh trong lòng Tổng Thống. Ông muốn làm sao Khối Đặc Biệt sớm đánh phá tổ điệp báo nguy hiểm này.
 Thấu hiểu nỗi âu lo của Tổng Thống, qua những giọt mồ hôi luôn rịn ra trên trán, Trung Tá Mâu tuyên hứa với Tổng Thống sẽ làm hết sức mình để chấm dứt công tác trong một thời gian ngắn nhất. Nhưng việc trước tiên mà Khối Đặc Biệt mong mõi, là Tổng Thống tiếp tục duy trì mọi liên hệ với hai tên Vũ ngọc Nhạ và Huỳnh văn Trọng một cách bình thường. Tổng Thống không nên hạn chế việc ra vào Dinh Độc Lập của hai tên này, nhất là tên Huỳnh văn Trọng. Hãy để cho y vẫn tiếp tục vai trò “cố vấn” của mình bằng cách trao cho y những tài liệu, kế hoạch không có giá trị, để y mặc tình báo cáo về cho bọn Cộng sản Bắc Việt để chúng nghiên cứu khai thác.
 Kết quả vở bi hài kịch này đã được trình diễn khá xuất sắc. Trải dài gần một năm nuôi dưỡng, Huỳnh văn Trọng không hề mải mai nghi ngờ gì về vai trò Cố Vấn “bù nhìn” của mình. Tài liệu vẫn được y chuyển về mật khu tới tấp. Đối với Vũ ngọc Nhạ, mỗi lần đi câu hay đi săn về, Tổng Thống không quên gởi biếu cho y, khi thì một con cá (mua ngoài chợ), khi thì một miếng thịt nai (ở Long Thành), khiến y lúc nào cũng vênh vênh tự đắc. Y có biết đâu, sau lưng của y, lúc nào cũng có một toán theo dõi ngày đêm, bám sát mọi hành vi của y. Nhất nhất mọi hoạt động của y đều được bí mật thu hình. Nhờ vậy, sau khi đánh phá, cho y xem qua mọi sinh hoạt hàng ngày của mình qua màn ảnh TV, y gần như chết lặng không chối được nửa lời.


 IV/- PHÁ VỞ:
 Sau khi nắm vững được toàn bộ tổ chức điệp báo lợi hại này, nhận thấy việc nuôi dưỡng không còn hữu ích nữa, Khối Đặc Biệt đã đệ trình kế hoạch phá vỡ vào ngày N. nào đó thuận lợi nhất.
 Ngày N. đã đến. Khi toán giám thị phát hiện vào lúc 15 giờ ngày. . . tháng . . . năm 1970, tên Vũ ngọc Nhạ xuất hiện từ nhà ở đường Hàng Xanh- Gia Đinh- di chuyển về hướng Saigon, chạy thẳng về Ngã Sáu Chợ Lớn, đến góc đường Nguyễn tri Phương Minh Mạng thì dừng lại, dẫn xe lên lề và đứng bên đường chờ đợi. Độ 10 phút sau, một nữ giao liên mà Khối Đặc Biệt đã phát hiện trước trong lúc giám thị công tác này, xuất hiện. Tay y thị xách một cái túi nhỏ đi ngang qua mặt tên Nhạ. Sau khi nhận nhau, tên Nhạ lẵng lặng đi theo sau. Đi được một đoạn ngắn, nhìn kỹ trước sau thấy không có gì khả nghi, cả hai bắt đầu trao đổi tài liệu. Vũ ngọc Nhạ nhận cái túi nhỏ từ tay giao liên, đồng thời trao lại cho y thị một gói nhỏ bằng bao thuốc lá, và chia tay. Tên nữ giao liên đi thẳng về phía chợ An Đông, còn Vũ ngọc Nhạ quay trở lại lấy xe và chạy thẳng về nhà.
 Không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt hoặc một cá nhân nào, toán giám thị thứ hai tiếp tục bám sát nữ giao liên và khi đến một đoạn đường vắng vẻ nhất, bí mật mời y thị lên xe, chạy về cơ quan S2B với đầy đủ tang chứng. Cái hộp nhỏ mà Vũ ngọc Nhạ vừa trao cho y thị, bên trong đựng 3 ống thuốc đựng đầy “vi phim” sao chụp tài liệu “kế hoạch kinh tế hậu chiến” của Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Tài liệu này đã được Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu giao cho Huỳnh văn Trọng một tháng trước đó theo đề nghị của Khối Đặc Biệt.
 Xúc tiến kế hoạch đánh phá, ngay trong ngày hôm đó, tại dinh Độc Lập, Tổng Thống đã mở một bửa tiệc nhỏ để khoãn đãi “Ông Cố vấn” với lời cảm tạ sau cùng trước khi chấm dứt nhiệm vụ của Huỳnh văn Trọng.
Ngay đêm đó, khi vừa về đến nhà thì tên Trọng đã bị bắt giữ cùng lúc với Vũ ngọc Nhạ, Lê hữu Thúy và cả bọn, khoảng 25 tên.
 Cần nói thêm một điều, việc bắt giữ bọn này không đúng với “sách vở”, là ngay khi bắt tên nữ giao liên là phải bắt ngay Vũ ngọc Nhạ ngay chiều hôm đó, nhưng S2B không làm việc này vì 2 lý do :
 - Phải chờ Tổng Thống ký quyết định bãi chức “Cố vấn” của Huỳnh văn Trọng xong mới bắt luôn Nhạ và tất cả đồng bọn.
 - Dù S2B luôn theo sát bọn này, nhưng vẫn đề phòng trong tổ chức của chúng có nhóm phản theo dõi đi theo để bảo vệ cuộc tiếp xúc, trao đổi với nữ giao liên, nếu bắt Vũ ngọc Nhạ giữa chốn thanh thiên bạch nhựt sẽ là điều hết sức nguy hiểm, vì đồng bọn có thể được báo động và bôn tẩu, làm cuộc phá vở công tác không đem lại kết quả như mong muốn.
 Theo lời khai của Vũ ngọc Nhạ, chiếc túi nhỏ mà y đã nhận của nữ giao liên lúc ban chiều, trong có chứa một chỉ thị mật của căn cứ gởi cho đương sự: bức thư này được viết bằng một loại mực kín chỉ có thể mã hóa bằng một loại hóa chất đặc biệt do Liên Xô cung cấp. Chữ chỉ hiện lên và biến mất sau đó 15 phút.
 Tại hộp thơ đường Trần quang Khải, Đa Kao, ngân viên đã tịch thu được một số vi phim, đã vào sẵn trong các ống thuốc tây, nôi dung chụp lại các tài liệu mà Huỳnh văn Trọng, Lê hữu Thúy đã đánh cắp được từ Phủ Tổng Thống và Bộ Chiêu Hồi, trong đó có những kế hoạch vô giá trị mà Tổng Thống Thiệu đã đưa cho Huỳnh văn Trọng trước đây mà chúng chưa kịp chuyển về căn cứ.
 Trước những chứng cớ rành rành như vậy, cả 3 tên đầu sỏ đều thành khẩn nhận tội. Riêng Vũ ngọc Nhạ tỏ ra cởi mở và đã tâm sự với người viết bài này, là y không bao giờ nghĩ rằng tổ chứa của y có thể bị phát hiện, vì Tổng Thống Thiệu đối xử với y như một người thân trong gia đình. Y có ngờ đâu, đó chẳng qua cũng chỉ là kế hoạch của Khối Đặc Biệt đề ra nhằm ru ngủ y mà thôi. Sau này nằm trong tù chắc y có dịp nghiền ngẫm và thấm thía lắm . . . Y còn khoe khoang là có lần đã được Tổng Thống Thiệu ngỏ ý mời y làm Cố vấn cho Tổng Thống, nhưng y từ chối, vì y biết rằng, nếu y công khai chường mặt, sớm muộn gì cũng bị ngành an ninh của ta lột mặt nạ. Do đó y đã giới thiệu Huỳnh văn Trọng với Tổng Thống và y chỉ đứng trong bóng tối điều khiển sẽ có lợi hơn.
 Thành thật mà nói, trong giai đoạn đầu kế hoạch xâm nhập của tổ chức này khá thành công, nhưng may mắn nhờ ta lật tẩy sớm nên chúng chưa làm được việc gì quan trọng. Hầu hết những tài liệu chúng thu thập được chẳng qua chỉ là một mớ giấy lộn mà ta đã chọn để đưa cho chúng làm tin để bắt cả bọn mà thôi.
 Trong suốt cuộc điều tra theo dõi, S2.B đã theo dấu từng tên một, để từ đó có thể phăng lần ra những đồng bọn và manh mối khác. Nhưng trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới những tên quan trọng có liên hệ mật thiết với Huỳnh văn Trọng, ông Cố Vấn, mà thôi.
 Cuộc đấu trí đầy hứng thú đã chấm dứt, kèm theo gần 25 tên cán bộ và cơ sở của Tổ Điệp Báo này hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Trong đó có 3 tên đầu sỏ : Vũ ngọc Nhạ, Huỳnh văn Trọng và Lê hữu Thúy với 3 bản án chung thân, nằm ngoài Côn Đảo.

Phan Nhân 

No comments:

Post a Comment