Friday, December 7, 2018

Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đang sống trong nghĩa trang Nhật Bình/Người Việt

Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng vợ, bà Trần Thị Hiệp, trước ngôi nhà trong nghĩa trang. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Chuẩn Tướng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nguyễn Hữu Hạnh, người từng là phụ tá tổng tham mưu trưởng Quân Lực VNCH, đang sống những năm tháng cuối đời tại một căn nhà tuềnh toàng trong khu nghĩa trang ở tỉnh Tiền Giang, cùng với người vợ sau, nhỏ hơn ông 33 tuổi, trước đây làm nghề bán vé số.
Không chỉ là tướng VNCH, ông Hạnh, năm nay 95 tuổi, còn là “cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh Vận Trung Ương Cục Miền Nam” của Cộng Sản. Trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông từng ra lệnh cho sĩ quan, binh sĩ án binh bất động, thuyết phục Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng.
Đã lập được công trạng với chế độ Cộng Sản như vậy, ông Nguyễn Hữu Hạnh nay bị bỏ rơi như thế nào?
Gian nan tìm nhà Tướng Hạnh
Phóng viên báo Người Việt tìm về “nhà” của ông Nguyễn Hữu Hạnh vào một ngày cuối Tháng Mười Một, năm 2018, với “vốn liếng” chỉ là một địa chỉ khá mơ hồ: “Ở thôn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngôi nhà được cất bên cạnh một nghĩa trang.”
Từ Sài Gòn, chúng tôi đến Bến Xe Miền Tây để bắt xe đi xuống Tiền Giang. Sau khi xem địa chỉ mà chúng tôi muốn đến, cô bán vé xe bảo: “Không có chuyến xe nào về chỗ Tân Hiệp này đâu. Chỉ có xe đi Sóc Trăng sẽ đi ngang khu vực này, rồi lên xe em dặn bác lơ xe khi tới vòng xoay Lương Phú thì cho xuống. Rồi từ đó bắt xe ôm thêm 10 km mới tới Tân Hiệp.”
Khi nghe chúng tôi thắc mắc: “Không còn đường nào khác nhanh hơn hả chị?” Cô bán vé lắc đầu: “Chỉ có cách này là nhanh nhất rồi. Vì chỗ đó là vùng quê, không xe nào chạy ngang đó đâu?”
Chúng tôi đành mua vé rồi lên xe.
Ngã tư vòng xoay Lương Phú thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Bến Xe Miền Tây ở Sài Gòn tầm 70km. Tới đây chúng tôi xuống xe và đón xe ôm về ấp Me, thôn Tân Hiệp, huyện Châu Thành.
Lên xe ôm chạy được một đoạn, tôi mới hỏi người chạy xe ôm là có biết nhà ông “Nguyễn Hữu Hạnh, khoảng hơn 90 tuổi, trước làm tướng cho chế độ cũ không?” Bác xe ôm lắc đầu, bảo: “Tôi làm nghề này ở đây chắc cũng 40 năm rồi mà chưa nghe đến cái tên như vậy?”
alt 
Ông Hạnh và tấm bằng ghi nhận công lao trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, do chính quyền Cộng Sản trao tặng. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Chúng tôi hỏi tiếp: “Bác có biết có nghĩa trang nào ở khu vực ấp Me đó không? Vì con biết nhà ông Hạnh bên cạnh nghĩa trang.”
“Thật ra người dân ở đây gọi là ‘gò’ chứ không ai gọi là nghĩa trang cả? Vì hầu hết khu vực miền Tây, nghĩa trang không được qui hoạch tập trung, mà mạnh nhà nào nhà đó tự chôn cất người thân khi mất ở đất nhà mình, hoặc đất công cộng nào đó mà không có ai ở là họ tự chôn mà thôi.” Bác tài xế xe ôm cho biết.
Quả thật, đoạn đường từ vòng xoay Lương Phú tới ấp Me, Tân Hiệp có rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ. Người dân nơi đây tự chôn cất người thân của mình.
Khi đến nơi, tôi hỏi nhiều người dân xung quanh khu vực ấp Me này, về ngôi nhà của “ông Hạnh, đã hơn 90 tuổi sống bên cạnh một nghĩa trang” nhưng không ai biết hết.
Chạy đến khu vực nào có mồ mả là chúng tôi đều dừng lại hỏi, nhưng tất cả đều lắc đầu không biết. Tìm mãi không ra, tôi bèn kêu bác xe ôm chạy ngược ra lại quán nước đầu hẻm, ngõ vào ấp Me, ngồi uống nước.
Chúng tôi đem câu chuyện về ông Hạnh để hỏi cô chủ quán, cô cũng lắc đầu bảo “chắc em tìm lộn địa chỉ, chứ tôi bán quán ở đây hơn 20 năm cũng chưa nghe ông Hạnh nào hơn 90 tuổi ở khu vực này cả. Chỉ có một ông Hạnh, khoảng 80 tuổi, nhưng đã mất cách đây cũng hơn 2 năm rồi.”
Trong lúc đang tuyệt vọng thì có một ông bán vé số vào mời mua. Chúng tôi vội mua tờ vé số ủng hộ ông nhưng chủ yếu để hỏi nhà ông Hạnh, thì lập tức ông trả lời ngay: “Có phải ông Hạnh lớn tuổi, trước ở Sài Gòn làm lớn lắm phải không?” Tôi vui mừng gật đầu “đúng rồi!”
Lập tức ông chỉ đường, bảo cứ chạy vào hẻm này đến gần cuối đường có một cái “gò” (nghĩa trang) lớn lắm. Hỏi nhà bà Tư Bóng là mọi người biết, chứ hỏi nhà ông Hạnh không ai biết đâu.”
Ông giải thích thêm: “Bà Tư Bóng lúc trước bán vé số như tui, nên tui biết. Bà bây giờ cũng hơn 60 tuổi rồi, bà có 5 đứa con, một đứa bị bệnh cũng tội nghiệp lắm. Chồng mất sớm nên bà một tay bán vé số nuôi con. Từ ngày bà gặp ông Hạnh và kết thành vợ chồng thì bà không còn đi bán vé số nữa. Có lẽ ông chồng bả lương cũng khá nên gia đình thấy đỡ lắm rồi.”
alt 
Hai vợ chồng ông Hạnh và căn nhà có một ngôi mộ tọa lạc ngay trước cửa nhà. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Như cánh cửa bị đóng và nay đã có chìa khóa trong tay, quả thật hỏi nhà bà Tư Bóng thì người dân ở đây  biết và chỉ dẫn cặn kẽ. Đến gần cuối con đường ấp Me, một nghĩa trang to hiện ra với nhiều ngôi mộ đã được chôn cất. Bên cạnh là một ngôi nhà cấp 4 (loại nhà mái tôn, xây gạch rẻ tiền), khá cũ.
Tiếp chung tôi là một người phụ nữ tầm hơn 60 tuổi. Khi được hỏi “có phải bà là Tư Bóng?’ bà liền xác nhận và bảo “các chú đến tìm anh Hạnh phải không?” Tôi hơi bất ngờ về câu hỏi này, liền được bà cười bảo: “Tìm đến nhà tôi thì chỉ có gặp anh Hạnh, chứ bán vé số như tôi thì ai mà tìm.”
Rồi bà vừa chỉ vào ngôi nhà, vừa bảo: “Ổng mới ngủ dậy đó. Bây giờ già rồi cũng lẫn, không nhớ được gì hết. Mới 3 tháng trước ông phải vào bệnh viện vì bị cao huyết áp.” Bà dẫn chúng tôi đi ngang một ngôi mộ nằm ngay chính giữa cửa chính của ngôi nhà, khiến ai lần đầu bước vào cũng thấy rợn người.
Sống khép kín, ít giao tiếp bên ngoài
Trong nhà không có vật dụng gì quý giá. Trên tường có treo tấm “bằng khen” của chính quyền Cộng Sản trao tặng. Cùng với tấm bảng ghi dòng chữ “Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, sáng ngày 30/4/1975, cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh Vận Trung Ương Cục Miền Nam, phụ tá tổng tham mưu Ngụy đã lệnh cho sĩ quan, binh sĩ án binh bất động, thuyết phục Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng.”
Trước mặt chúng tôi là ông Nguyễn Hữu Hạnh, dáng người ốm, tay chống gậy. Mặc dù ông đang ngồi trên ghế để uống cà phê, nhưng mắt vẫn lim dim mơ màng. Mái tóc lưa thưa bạc trắng, răng rụng hết, nước da sạm với nhiều chấm đồi mồi, đuôi mắt đầy những vết chân chim.
Bà Tư Bóng ghé sát tai ông Hạnh bảo: “Có nhà báo trên Sài Gòn xuống thăm anh.” Ông gật đồng ra vẻ biết chuyện.
Khi chúng tôi hỏi: “Ông năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?” – Bà Tư ghé sát tai ông nói lại. Ông liền trả lời rất nhanh “Tôi tên Nguyễn Hữu Hạnh, năm nay 95 tuổi.” Rồi như chắc ăn thêm, ông quay sang hỏi vợ: “95 rồi bà nhỉ?” Bà Tư liền trả lời: “Ừ, đúng rồi!”
Rồi bà Tư quay sang bảo tôi: “Tai ông nặng lắm, nói gì phải ghé sát tai nói mới nghe. Chứ nói chuyện bình thường ông không nghe được đâu.”
alt 
Những ngôi mộ xung quanh nhà ông Nguyễn Hữu Hạnh. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Bà nói thêm: “Cách đây 2 năm thì ông còn nhớ nhiều, chứ bây giờ dường như ông chẳng nhớ gì hết. Mới 3 tháng trước ông phải vào bệnh viện vì cao huyết áp. Bây giờ ông đi lại rất khó khăn, ăn uống cơm nước một tay tôi lo thôi.”
Ông tướng nên vợ nên chồng với bà bán vé số
Nói về cuộc hôn nhân với ông Hạnh, bà Tư kể: “Tôi tên thật là Trần Thị Hiệp, dân đây gọi là Tư Bóng. Hồi đó nhà nghèo không đất đai gì. Nên về cái ‘gò’ này để tự làm chòi để ở. Vì nghĩ đất nghĩa trang thì không ai đuổi đi. Chồng tôi mất sớm để lại 5 đứa con, nên một tay tôi phải đi bán vé số nuôi con.”
“Tôi gặp ông Hạnh vào năm 2010. Hồi đó ông từ Sài Gòn về ở nhà ông Bảy Rết, là anh em họ hàng với ông Hạnh, nhà cũng sát bên cạnh đây thôi. Ông Hạnh thường hay mua vé số giúp tôi. Gặp nhau vài lần tôi mới biết vợ ông cũng mới mất, nên ông buồn, tìm về quê cho thanh thản, kiếm người hủ hỉ tuổi già. Hồi đó không biết ông là tướng lãnh gì ngày xưa đâu.”
“Tôi lúc đó cũng 53 tuổi rồi. Mới nhìn ông cứ tưởng là cỡ 75 thôi, ai ngờ ông cũng đã 86 tuổi, hơn tôi đến 33 tuổi. Con đầu ông còn lớn tuổi hơn cả tôi. Mới đầu chúng phản đối dữ lắm, vì cho rằng tôi lấy ông là vì tiền bạc, chứ ông già vậy ai mà đi bước nữa với ông. Nhưng bây giờ thì tụi trẻ đã hiểu chuyện, biết cảm ơn tôi, bảo: ‘không có chị chắc ba không sống đến ngày hôm nay?’”
“Hồi đó ở đây chỉ là nhà tranh vách đất. Nhờ ông vay mượn được 30 triệu VND (khoảng $1,300) để xây căn nhà này. Tiền lương của ông lúc đó được 8 triệu, nên ông vừa trả dần một tháng 2 triệu và giúp tôi trả các khoản nợ cũ. Bây giờ thì lương ông đã hơn mười mấy triệu rồi (khoảng $600/tháng, so với thu nhập của người dân là khá cao).”
Chúng tôi hơi bất ngờ về chi tiết này, vì nghĩ ông đã về hưu thì làm sao có mức lương được chính quyền trả như vậy? Thắc mắc thì được bà Hiệp bảo: “Thật ra khoảng 3 năm nay ông không còn đi họp hành gì nữa, nhưng vẫn có tên trong thành viên ‘Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc’ nên mới được mức lương như vậy. Hiện 2 vợ chồng sống dựa vào đồng lương đó thôi.”
Hỏi bà là chính quyền có hay cử người tới thăm ông không? Bà trả lời: “Không, chỉ lâu lâu đến dịp 30 Tháng Tư thì có vài nhà báo xuống thăm trò chuyện mà thôi. Ở đây, ông cũng ít khi ra ngoài nên hàng xóm cũng ít biết đến ông.”
Tới đây chúng tôi mới hiểu lý do vì sao mà lúc tìm nhà ông lại khó khăn như vậy, vì hàng xóm không biết có ông Hạnh nào ở xóm mình cả.
Gần cuối đời sống ở nghĩa trang
Chúng tôi quay sang hỏi ông Hạnh: “Ông có nhớ gì ngày 30 Tháng Tư, 1975 không?” Bà Hiệp kề tai ông nói lại như phiên dịch. Ông trả lời: “Có cái nhớ, có cái không?” Nghe đến đây chúng tôi cũng mừng thầm, vì nghĩ biết đâu ông sẽ kể được chi tiết về biến cố này.
alt 
Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh trước căn nhà trong nghĩa trang. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Nhưng khi hỏi tiếp: “Lúc đó ông làm gì?” Thì ông chỉ trả lời: “Lúc đó ở trong mặt trận, tôi là giám đốc miền Nam…”
Rồi ông im lặng, người đơ ra như đang “nghiệm” điều gì đó mà không nhớ ra. Bà Hiệp bên canh nói thêm như giải thích, “ổng quên hết rồi!”
Biết là không thể hỏi thêm được điều gì, nên tôi quay sang nói chuyện tiếp với bà Hiệp.
Thế mấy con của ông có hay từ Sài Gòn xuống thăm không? Bà Hiệp nói như thở dài: “Không, lâu lâu có đám cưới hỏi gì của mấy cháu trong nhà thì cũng có gọi điện báo tin và mời ông về Sài Gòn thì tôi đưa ông lên thôi. Chứ con cái không thấy xuống thăm ông. Có lẽ tụi nó bận công việc.”
Về con cái và nhà cửa của ông Nguyễn Hữu Hạnh, báo Tiền Phong ở Việt Nam trong bài “Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh bây giờ…” xuất bản ngày 26 Tháng Tư, 2017, có đoạn: “…Ngôi biệt thự (của ông Hạnh) ở đường Phan Kế Bính sau khi người bạn đời của 14 người con mất đã bán đi, mua mảnh đất ở ấp Tám, Tân Phú Trung, Củ Chi, Sài Gòn để ở, rồi lại khóa cửa để đấy, ông Hạnh về đây quanh quẩn vui thú điền viên với bạn bè…”
Báo này kể có chi tiết trùng với lời kể của bà Trần Thị Hiệp: “Mươi năm trước, Mặt Trận Tổ Quốc thành phố cho mượn 30 triệu làm 30m2 nhà cấp 4 này, trừ dần vào lương tháng, ông đã trả hết. Mới rồi ông lại mới vay được 10 triệu xây thêm căn bếp.”
Trở lại thực tại, nhìn những ngôi mộ bên cạnh nhà, đặc biệt ngôi mộ ngay chính cổng ra vào, chúng tôi e ngại hỏi: “Sống gần mồ mả vậy có sợ không?” Bà Hiệp nói “thấy cũng bình thường, vì ở đây riết cũng quen rồi. Nghĩa trang này hiện nay họ vẫn tiếp tục chôn. Cứ có người mất thì họ lại đem tới chôn thôi. Không vấn đề gì cả.”
Chúng tôi hỏi nước uống mà gia đình bà đang dùng được lấy từ đâu? Bà bảo: “Thì nước giếng thôi!” Vừa nói bà chỉ ra cái giếng nước bên ngoài, sát bên cạnh những nấm mồ. Nghĩ mà nổi da gà vì nãy giờ cũng đã uống một ly nước ở nhà bà, nguồn nước có thể bị ô nhiễm khi bên cạnh là những nấm mồ.
Câu chuyện giữa chúng tôi và bà Hiệp lâu lâu lại bị ngắt quãng bởi những tiếng ho hay khạc nhổ của ông Hạnh. Dường như ông không còn tự chủ trong các hành động của mình. Nhìn ông, ít người ở đây biết rằng “ông già lẩm cẩm” ở trong căn nhà nhỏ xíu, xung quanh toàn mồ mả này trước đây từng là một vị tướng VNCH quyền uy, một nhân vật quan trọng trong biến cố 30 Tháng Tư 1975, khiến miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Chào ông ra về mà trong đầu chúng tôi băn khoăn về một kiếp người. Phải chăng đây là số phận của một người làm tướng Việt Nam Cộng Hòa nhưng lại nằm vùng cho Cộng Sản, những ngày tháng cuối đời phải sống trong nghĩa trang, làm bạn với những nấm mồ. (Nhật Bình)


Ông Nguyễn Hữu Hạnh, sinh năm 1924, là chuẩn tướng Bộ Binh của Quân Lực VNCH. Ông thường được biết đến với vai trò là phụ tá tổng tham mưu trưởng cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, người đã tác động để Tổng Thống Dương Văn Minh sớm đi đến quyết định kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí đầu hàng quân đội Bắc Việt vào ngày 30 Tháng Tư, năm 1975.
Năm 1946, ông gia nhập quân đội Pháp dưới quyền Thiếu Úy Dương Văn Minh, người sau này trở thành tổng thống cuối cùng của VNCH..
Ông Nguyễn Hữu Hạnh từng kinh qua các chức vụ: Tham mưu trưởng Phân Khu Sài Gòn-Chợ Lớn (1952). Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 30 Việt Nam Biệt Lập (1954). Du học lớp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại trường Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ (1958). Tham mưu trưởng Quân Khu Thủ Đô, sau đổi thành Biệt Khu Thủ Đô (1960). Đại tá tham mưu trưởng Quân Đoàn IV do Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao làm tư lệnh (1963). Ủng hộ Tướng Dương Văn Minh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1963). Trở thành cơ sở của Ban Binh Vận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt (1970) trong cùng năm được thăng làm chuẩn tướng của Quân Lực VNCH. Phó tư lệnh Quân Đoàn II (1972). Chánh thanh tra Quân Đoàn I (1973).
Ngày 15 Tháng Năm, 1974, ông Hạnh bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho về hưu khi mới 48 tuổi. Ngày 28 Tháng Tư, năm 1975, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh lên tổng thống, ông Hạnh giữ chức phụ tá cho tân tổng tham mưu trưởng, Trung Tướng Vĩnh Lộc. Sáng 29 Tháng Tư, Tướng Vĩnh Lộc đi di tản, vì vậy, nhân danh tổng tham mưu trưởng, ông đã ra tuyên bố kêu gọi binh sĩ VNCH buông súng.
Cùng với Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, ông Hạnh là một trong 2 vị tướng bên cạnh Tổng Thống Dương Văn Minh trong giờ phút cuối cùng của VNCH.
Sau năm 1975, được ghi nhận công lao trong tác động đến buông súng của Quân Lực VNCH, ông Hạnh không bị đi tù cải tạo, mà còn được giữ chức vụ tổng thư ký Hội Nhân Dân Bảo Trợ Nhà Trường, sau được bầu “ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc thành phố” với tư cách là “nhân sĩ yêu nước” và giữ chức vị đó cho đến nay.
https://www.nguoi-viet.com/tv-phong-su-viet-nam/tuong-nguyen-huu-hanh-gan-cuoi-doi-song-trong-nghia-trang/

Wednesday, June 20, 2018

Chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ

Xin anh em cho biết có phải đeo huy hiệu TTM bên tay trái như ĐT Nu là sai không.
Tôi rời NKT cuối năm 1971 và nghe nói sau này mang huy hiệu TTM trên trán. Không biết có đúng không?. 😂😂😂
TQLC Nguyễn Bác Ái  


Đúng chứ không sai, vì đơn vị của ổng là TTM chứ đâu có phù hiệu NKT.
HL Chung Tử Ngọc 
 Vậy mấy ông này Sai hay Đúng. 
Hình chụp ở Nha Trang. 
Đờ Ô Ri Dần nồ đó nghe.
TQLC Nguyễn Bác Ái Oregon 

 

Thuan Nguyen ebaydriving@gmail.com

Ngày tôi về đơn vị. Ban 4 phát cho bộ đồ với phù hiệu SCT bên vai trái. Tôi không thấy phù hiệu TTM và cũng không để ý đến nó. Nhìn lại quá khứ, chúng ta không ai làm tròn trách nhiệm của mình. Kể cả cấp cao nhất. Vậy thì bây giờ tranh cải đúng sai làm chi với việc mang nó ở đâu. Miền là những anh lính cùng mang danh LH ngày xưa có còn đủ can đảm để nhận trách nhiệm đối với ngày mất nước hay không, hay cứ huênh hoang với cái quá khứ rổng tuếch để đến bây giờ muốn chỉnh sửa nhau bằng cái vai trái hay phải. 
Thuận. Bắc Cali
Hello Thuận
Con người có cái tư cách để xung quanh biết mình là loại gì. Tập thể có cái danh dự để xung quanh nhận xét sự sinh hoạt cũa nó.. Có lẽ Thuận ở một vị thế khác nên không nghe, không thấy như mình. Mình luôn ghi nhận và cám ơn những ý kiến này vì nó giúp mình đóng góp xây dưng cho cá nhân, cho sinh hoạt cũa TH NKT mà mình đang đại diện.
Quá khứ, hiện tại bạn bè, Hậu Duệ và một số anh em trong các đơn vị bạn nói hay hỏi "mấy chú mang huy hiệu có người bên này, có người bên kia vậy ai đúng ai sai", "Tui mầy một đám thằng Gà thằng Vịt có giống ai không?". Câu trã lời rất là dể nếu mình chỉ còn CHAO trong đầu thì sẽ là "Kệ mẹ tụi tui".
Nhưng không đơn giản như vậy. Khi một tổ chức không đồng lòng và thống nhất với nhau thì không nên nói đến chuyện đại sự. Việc nhỏ chưa hay không làm được thì không nên nghĩ đến chuyện lớn. Một nhóm nhỏ ở một địa phương cứ chia ba xẻ bảy không đoàn kết với nhau nói chi đến một tập thể. Đơn vị NKT bây giờ không ai có quyền đòi hỏi người khác làm theo ý riêng cũa mình, ngoài trừ đưa ra nhửng bằng chứng hay những ví dụ cụ thể để cùng nhau tìm hiểu, học hỏi cho một mục đích đẹp đẽ hơn. Còn nếu cứ ai đó nói cho mình nghe chuyện mình không muốn nghe rồi mình đem họ ra chém, thì mình sẽ học đươc gì.
Trong những tuần qua người dân trong nước đã đứng lên chống đối bè lũ ngu dốt cs. Trong chúng ta những người còn yêu quê hương, đất nước không khỏi phấn khởi khi thấy việc này xãy ra. Tuy nhiên có người cầu nguyện theo tôn giáo cũa mình cho đất nước thoát khòi tay cs, có người viết bài, viết nhạc hổ trợ cho công cuộc đấu tranh trong nước, có người ủng hộ tài chánh, có người ủng hộ nhân lực, có người lặng thinh trong sự căm hờn. Trong đó có tôi và Thuận cũng như số anh em  LH..
Vậy mình muốn hỏi Thuận trong những loại người này ai sẽ là người có còn đủ can đảm để nhận trách nhiệm đối với ngày mất nước và ai sẽ là người cứ huênh hoang với cái quá khứ rổng tuếch để đến bây giờ muốn chỉnh sửa nhau bằng cái vai trái hay phải.
Ái Oregon

 

Monday, May 14, 2018

Những người làm chứng gian By Huy Phương

Từ trái sang: Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, (chụp trong khai mạc triển lãm ảnh Dương Minh Long tại Huế 1995)

Trong ngành tư pháp, trước toà án hay trong vòng điều tra, một lời khai báo gian dối, không đúng sự thật được xem là một trọng tội; xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác.
Nếu người làm chứng khai báo gian dối khác với sự thật mà mình biết thì sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra của cơ quan chức năng. Do đó, pháp luật có những quy định và hình phạt đối với hành vi người làm chứng gian.
Ngày nay tại hải ngoại, nơi có nhiều người Việt đang sinh sống, chúng ta thấy và nghe đầy dẫy những lời chứng gian trong các địa hạt, nhiều nhất hiện nay là món “dược thảo!” Ðể củng cố lòng tin của khách tiêu dùng, người ta đã mời rất nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong cộng đồng trong giới thể thao, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu… để mời mọc giới tiêu thụ bằng những lời lẽ không thật, gian dối, tức là những lời chứng gian.
Tâm lý quần chúng là nghe theo những lời chứng này. “Thuốc không hay sao trên đài phát thanh và truyền hình người ta khen dữ vậy!” “Thuốc không hay sao diễn viên này khen, ca sĩ nọ giới thiệu!”
Cuối cùng họ đem số phận và sức khỏe của mình thử thách cùng một loại nghệ thuật quảng cáo rất tầm thường nhưng có mãnh lực thu hút và nhồi nhét ý niệm rất mạnh mẽ!
Quần chúng thì chạy theo thần tượng, tên tuổi nên “cả tin” những gì họ nói, phô này, đôi khi cả những lời thề thốt, nhưng sự thật chưa bao giờ người quảng cáo có can đảm, uống một viên thuốc hay dùng sản phẩm của viện bào chế hay nhà sản xuất nọ đưa ra thị trường. Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Bob Dole năm 70 tuổi đã quảng cáo cho loại thuốc cường dương Viagara, nhưng liệu thứ thuốc này hiệu nghiệm với ông như thế nào, vì đây là chuyện phòng the riêng tư của vợ chồng ông.
Trong chuyện chính trị, nói dối và hứa gian là những chuyện thường tình. Ðể tuyên truyền hay tán dương cho một chế độ người ta đã không thương tiếc khi dùng những kẻ gian dối để làm chứng gian cho họ, và những kẻ chứng gian đã sẵn sàng bỏ qua lương tâm và sự thật để “biểu diễn lập trường,” trả nợ cơm áo hay vì sợ hãi cường quyền.
Vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968, qua cuốn phim của Lê Phong Lan với những “nhân chứng” xứ Huế như Nguyễn Ðắc Xuân , Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trịnh Công Sơn là những chuyện làm chứng gian nguy hiểm nhất!
Trong một khúc phim, Lê Phong Lan phỏng vấn Nguyễn Ðắc Xuân, Xuân đã phủ nhận hoàn toàn chuyện thảm sát, nghĩa là Cộng Sản không giết ai cả, đây là do phản kích tâm lý chiến của phe VNCH, và Huế là nơi duy nhất đã đạt được cả hai mục tiêu “tấn công” và “nổi dậy”. Sự thật việc “tổng nổi dậy” là một chuyện hoang tưởng của phe Cộng Sản, không ai minh chứng được tên tuổi hay đơn vị quân đội, quần chúng địa phương nào đã “nổi dậy!” Sự thật là Việt Cộng đi đến đâu, dân Huế bỏ chạy đến đó, nghe chữ Việt Cộng là dân Huế “vãi đái” rồi. Ðây cũng là một thứ miệng lưỡi gian xảo của một người chứng gian được gọi là nhà “sử học!” Hay ông cho rằng quân nổi dậy được đếm trên đầu ngón tay, là anh em nhà họ Hoàng, cha con Nguyễn Ðoá và ông?
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một chứng gian tệ hại hơn. Luôn luôn nói rằng mình, trong thời gian Tết Mậu Thân, không có mặt ở Huế, nhưng trước ống kính truyền hình quốc tế thì Tường làm chứng gian rằng mình đã “lội” trong máu, mà không biết, khi bật đèn pin lên mới thấy đó là máu của 200 nạn nhân, trong một cuộc ném bom vào một bệnh viện trong thành nội Huế. Tôi chưa nói đến sự phi lý máu của 200 người chảy từ bệnh viện ra đường, thứ máu không đông đến nỗi ngập đường mà ông Tường phải “lội” mà không nghe mùi tanh. Tường cũng làm chứng gian nói rằng những phụ nữ miền Nam mang thai, có chồng tập kết ra Bắc đều bị công an, cảnh sát đạp cho văng thai nhi ra ngoài, và công chức Huế mỗi ngày Lễ Tết đều phải đến quỳ lạy tại nhà ông Ngô Ðình Cẩn. (số này đương nhiên là phải có HPNT và tác giả bài viết này!)
Khi nghe Nguyễn Ðắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường “ăn gian nói dối” chúng ta không ngạc nhiên vì họ là những người Cộng Sản, nhưng đến phiên Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ có tài đã để lại nhiều sự ái mộ trong lòng quần chúng, cũng chịu làm chứng gian cho bộ phim chối tội “Mậu Thân 1968” của Lê Phong Lan thì chúng ta hoàn toàn thất vọng!

Phát biểu của Trịnh Công Sơn trong bộ phim Mậu Thân 1968 của Lê Phong Lan là: “ …quân đội Bắc Việt Nam vô cùng nghiêm túc, kỷ luật, không hề có chuyện thảm sát!”. 
Tôi là một nhân chứng có mặt Huế trong suốt thời gian 24 ngày trước khi quân Việt Cộng rút ra khỏi Huế. Trong thời gian này, gia đình Trịnh Công Sơn, có cả Ðinh Cường từ Saigon ra ăn Tết với Sơn, đã từ Phú Cam (nhà Sơn) chạy về trường Trung Học Kiểu Mẫu (toà Khâm Sứ cũ) được dùng như một trại tạm cư để tránh Việt Cộng.
Từ Saigon ra, gia đình tôi cũng từ Chợ Cống tránh VC chạy về đây. TCS đã ở đây cho đến ngày VC rút ra khỏi thành phố. Như vậy trong những ngày này, lúc nào, ở đâu, TCS đã tiếp xúc với bộ đội Bắc Việt, để có nhận xét rằng: “quân đội Bắc Việt Nam vô cùng nghiêm túc, kỷ luật, không hề có chuyện thảm sát?” Vậy thì ai là thủ phạm? Hay mấy nghìn dân Huế cùng nhau tự trói mình, tự nhảy xuống hầm và cùng… tự sát?
Nếu VC gặp một thanh niên đeo kính trắng, trắng trẻo, tóc dài, dáng dấp thư sinh như TCS thì chắc chắn người nhạc sĩ này không thoát cảnh nằm chung với đồng bào trong các hầm chôn tập thể. Thời đó, bọn ở trong rừng ra, biết TCS là ai?
Lời chứng gian này là một điều xúc phạm đến nỗi đau của hàng nhìn gia đình có thân nhân chôn chung trong 22 hầm tập thể. 
Vậy mà Lê Phong Lan dám nói rằng: “Không có nhân chứng nào có thể nói dối trong những cuộc phỏng vấn này.”

Huy Phương

Thursday, May 10, 2018

Cụm Tình Báo VC A.22 Trong Dinh Độc Lập

Định nghĩa
Tình báo, gián điệp là người hoạt động bí mật của phe địch để dọ thám lấy tin tức về tình hình quân sự, chính trị, kinh tế hoặc tác động, phá hoại.


1* GIÁN ĐIỆP NGA Ở HOA KỲ.
Ngày 28-6-2010, ông Michael Forbiarz, phụ tá biện lý Hoa Kỳ phát biểu trước tòa án liên bang ở Manhattan là việc truy tố 10 người sinh sống ở Đông Bắc Hoa Kỳ (HK) chỉ là "Phần nổi của tảng băng" về âm mưu của cơ quan tình báo Nga SVR , hậu thân của KGB, nhằm thu thập tin tức chiến lược về HK.
Thật vậy, ông Oleg Gordievsky, 71 tuổi, một cựu chỉ huy phó đường dây điệp báo KGB ở Luân Đôn, đã đào tỵ năm 1985, cho biết là hiện có từ 40 đến 50 cặp gián điệp hoạt động dưới nhiều cái vỏ bọc khác nhau tại HK.
* Hoạt động của gián điệp Nga
Họ hoạt động theo từng đôi, giả làm vợ chồng, trà trộn vào xã hội HK, làm quen các giới chức có trách nhiệm, tạo sự quen biết lâu dài để thu thập tin tức tình báo chiến lược.
Cụ thể như về chính sách ngoại giao của tổng thống Obama đối với Nga, về lập trường của HK trong việc thương thảo thỏa ước giảm thiểu vũ khí nguyên tử với Nga, START, về Afghanistan, về Iran và chương trình nghiên cứu đầu đạn nguyên tử loại nhỏ dùng để phá hầm ngầm ở sâu dưới mặt đất.
Các điệp viên liên lạc với nhau bằng hệ thống vô tuyến trên máy điện toán xách tay (Mobile Wireless Transmission). Hai bên ngồi gần nhau để chuyền thông điệp từ máy nầy sang máy kia.
Đây là vụ phá ổ gián điệp lớn nhất từ nhiều năm nay của cơ quan FBI.


2* GIÁN ĐIỆP CỘNG SẢN TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Trong chiến tranh, ở miền Nam, ngoài những tên VC nằm vùng, còn có những điệp viên thuộc tình báo chiến lược như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thuý và Phạm Ngọc Thảo.
2.1. VŨ NGỌC NHẠ
Vũ Ngọc Nhạ là nhân vật then chốt trong vụ án Cụm Tình Báo A.22 làm rung động chính quyền miền Nam năm 1969.
Tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh ngày 30-3-1928 tại tỉnh Thái Bình. Được kết nạp vào đảng CSVN năm 1947. Vũ Ngọc Nhạ còn nhiều cái tên khác nữa như Pière Vũ Ngọc Nhạ (tên Thánh), Vũ Đình Long (Hai Long) bí danh Lê Quang Kép, Thầy Bốn, "Ông Cố Vấn".
2.1.1. Hoạt động
Năm 1955. Xuống tàu di cư vào Nam.
Vũ Ngọc Nhạ cùng 1 số điệp viên khác trà trộn vào đoàn người di cư vào Nam. Nhạ cùng vợ và con gái xuống tàu Hải Quân Pháp cùng hàng triệu người Công giáo di cư vào Nam.
- Làm thư ký đánh máy ở Bộ Công Chánh. Chinh phục được cảm tình của Linh mục Hoàng Quỳnh và trở thành "Người giúp việc" của Giám mục Lê Hữu Từ.
Năm 1958
Tháng 12 năm 1958, Nhạ bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung của Nguyễn Tư Thái, tự Thái Đen, bắt giữ và giam tại trại Tòa Khâm (Huế) để chờ điều tra xác minh. Linh mục Hoàng Quỳnh can thiệp cho nên Nhạ không bị buộc tội.
* Người Giúp Việc của Đức Cha Lê Hữu Từ
Một khuyết điểm lớn của Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung là giam giữ những nghi can gián điệp chung với nhau tại trại Tòa Khâm. Chính ở đó, Vũ Ngọc Nhạ đã móc nối với các "cơ sở" (những cá nhân) tình báo khác, đặc biệt là trùm tình báo VC Mười Hương.
Tạo dựng niềm tin đối với Ngô Đình Cẩn.
Năm 1959
Vũ Ngọc Nhạ làm tờ trình "Bốn Nguy Cơ Đe Doạ Chế Độ" được sự chú ý của Ngô Đình Cẩn và sau đó, của ông Nhu, ông Diệm. Do sự dự đoán chính xác về cuộc đảo chánh 11-11-1960 của tướng Nguyễn Chánh Thi, anh em ông Diệm đã chú ý đến Vũ Ngọc Nhạ.
Nhờ danh nghĩa "Người Giúp Việc" của Đức Cha Lê Hữu Từ mà Nhạ được xử dụng như là Người Liên Lạc giữa anh em Họ Ngô và giới Công Giáo di cư. Nhờ đó, Nhạ thu thập được nhiều tin tức tình báo có giá trị. Từ đó, Nhạ có biệt danh là "Ông Cố Vấn".
* Xây dựng Cụm Tình Báo Chiến Lược A.22
Sau đảo chánh 1-11-1963, thế lực Công giáo phát triển mạnh dưới tay của Linh mục Hoàng Quỳnh.
Cuối năm 1965, sự tranh giành quyền lực trong "nhóm tướng trẻ", do sự giới thiệu của LM Hoàng Quỳnh, Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã xử dụng Vũ Ngọc Nhạ trong vai trò liên lạc giữa tướng Thiệu và Khối Công giáo. Nhạ đã khéo léo lợi dụng vai trò đó để tạo ảnh hưởng đến các chính trị gia dân sự và quân sự.
Năm 1967
Sau khi tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng thống, cấp trên nhận thấy cần thiết phải mở rộng mạng lưới tình báo, thành lập Cụm A.22. (A.22 là mật danh của Vũ Ngọc Nhạ) Cụm do Nguyễn Văn Lê làm cụm trưởng, Nhạ làm Cụm Phó trực tiếp phụ trách mạng lưới. Toàn bộ Cụm A.22 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Đức Trí, chỉ huy phó Tình Báo Quân Sự ở miền Nam.
Bắt đầu, Cụm A.22 "phát triển" thêm Nguyễn Xuân Hoè, Vũ Hữu Ruật đều là những điệp viên mà Nhạ đã bắt liên lạc trong khi bị giam chung tại Tòa Khâm. Sau đó, thu nhận thêm Nguyễn Xuân Đồng và quan trọng nhất là vào đầu năm 1967, bổ sung thêm Lê Hữu Thuý (hay Thắng) mật danh là A.25.
Các điệp viên nầy được giao nhiệm vụ "Chui sâu, leo cao" nắm lấy những chức vụ quan trọng để thu thập thông tin và để tác động vào chính quyền.
Thành công của Cụm A.22 là cài được 1 điệp viên dưới quyền của Lê Hữu Thuý là Huỳnh Văn Trọng làm "Cố Vấn" cho tổng thống Thiệu.
Chính Huỳnh Văn Trọng đã cầm đầu một phái đoàn VNCH sang HK, tiếp xúc, gặp gỡ hàng loạt các tổ chức, các cá nhân trong chính phủ và chính giới HK, để thăm dò thái độ của chính phủ Johnson đối với cuộc chiến ở VN. Huỳnh Văn Trọng thu thập được nhiều tin tức tình báo chiến lược.
* Vụ án Huỳnh Văn Trọng và 42 điệp báo
CIA nhanh chóng phát hiện điều bất thường là sự tập hợp của các cá nhân là những bị can đã bị bắt giam ở Tòa Khâm.
Giữa năm 1968
Hồ sơ các cựu tù nhân ở Tòa Khâm được mở lại. Do tính phức tạp trong ngành điệp báo, CIA phải mất 1 năm mới hoàn tất hồ sơ và chuyển giao cho Tổng Nha Cảnh Sát QG VNCH.
Vào trung tuần tháng 7 năm 1969, một đơn vị đặc biệt có mật danh là S2/B được thành lập để tiến hành bắt giữ hầu hết những người của Cụm A.22.
Toàn bộ điệp viên Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thuý, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hoè, Nguyễn Xuân Đồng, Huỳnh Văn Trọng, và hầu hết những gián điệp khác, kể cả giao liên là bà Cả Nhiễm cũng bị bắt.
Riêng cụm trưởng Nguyễn Văn Lê kịp thời trốn thoát.
Cụm tình báo A.22 bị phá vở hoàn toàn.
Chính quyền Saigon rung động vì 42 gián điệp từ cơ quan đầu nảo là Phủ tổng thống cho đến các cơ quan khác, nhất là 1 "Cố vấn" của tổng thống đã bị bắt.
* Biến vụ án gián điệp thành vụ án chính trị
Đây là vụ án gián điệp lớn nhất lịch sử. Các bị can đều khai, nhất cử nhất động của họ đều là thi hành chỉ thị, là do sự uỷ thác, do lịnh của tổng thống, của các tổng trưởng, nghị sĩ, dân biểu và cả CIA nữa.
Tòa án Quân Sự Mặt Trận Lưu Động Vùng 3 CT bối rối vì không có thể gởi trác đòi những nhân chứng như tổng thống ra hầu tòa để đối chất.
Do không có đủ yếu tố để buộc tội tử hình, cho nên tòa tuyên án:
- Chung thân khổ sai:
Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thuý, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Xuân Hoè.
- Án từ 5 năm đến 20 năm tù khổ sai cho những bị can còn lại.
Khi quân cảnh dẫn các tù nhân ra xe bít bùng, thì Vũ Ngọc Nhạ quay sang nhóm ký giả ngoại quốc và thân nhân, nói lớn "Tôi gởi lời thăm ông Thiệu".
* Cho rằng CIA dàn cảnh
Một bất ngờ của vụ án là TT Thiệu không tin đó là sự thật mà cho là CIA đã dàn cảnh. Do đó, thời gian Vũ Ngọc Nhạ bị đày ở Côn Đảo thì TT Thiệu đã triệu hồi viên tỉnh trưởng Côn Sơn về Saigon và thay thế vào đó một người thân tín của mình để có điều kiện chăm sóc cho Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng như là những thượng khách. Vì thế, Vũ Ngọc Nhạ đã đánh giá:"Đó là một cuộc dạo chơi trên Thiên Đàng".
* Tiếp tục hoạt động
Đầu năm 1973
Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng được đưa về khám Chí Hòa, Saigon. Trong thời gian ở Chí Hòa, nhờ sự giúp đở của LM Hoàng Quỳnh, Vũ Ngọc Nhạ móc nối, bắt bắt liên lạc với nhóm "Thành Phần Thứ 3" của Dương Văn Minh.
Ngày 23-7-1973
Chính quyền VNCH trao trả Vũ Ngọc Nhạ cho Mặt Trận DTGP/MNVN với danh xưng là "Linh mục Giải Phóng".
Năm 1974
Vũ Ngọc Nhạ được CSBV phong Trung tá QĐNDVN. Tháng 4, 1974, Vũ Ngọc Nhạ trở về Củ Chi, hoạt động bí mật mục đích xây dựng lại Cụm Tình báo chiến lược, móc nối với Thành phần thứ 3 và khối Công giáo .
Ngày 30-4-1975
Vũ Ngọc Nhạ có mặt tại Dinh Độc Lập bên cạnh tướng Dương Văn Minh.
* Bị thất sủng và được tôn vinh
Ngày 30-4-1975 thân phận của Vũ Ngọc Nhạ vẫn chưa được xác nhận.
Năm 1976
Vũ Ngọc Nhạ được điều về Cục 2 Bộ Quốc Phòng với quân hàm Thượng tá.
Năm 1981
Được thăng Đại tá nhưng vẫn còn ngồi chơi xơi nước. Hàng ngày đọc các tin tức báo cáo, tổng hợp lại rồi trình lên thượng cấp, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh.
Năm 1987
Tác giả Hữu Mai xuất bản cuốn tiểu thuyết "Ông Cố Vấn, Hồ Sơ Một Điệp Viên" ca ngợi thành tích tình báo của Vũ Ngọc Nhạ. Công chúng đã biết đến và Nhạ được phong Thiếu Tướng.
Vũ Ngọc Nhạ mất ngày 7-8-2002 tại Saigon, 75 tuổi. Phần mộ của Nhạ nằm chung với các phần mộ của các điệp viên khác như Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức và Phạm Ngọc Thảo.


2.2. PHẠM XUÂN ẨN
* Thân thế Và Hoạt động
Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12-9-1927 tại xã Bình Trước, Biên Hòa, là một thiếu tướng tình báo của QĐNDVN.
Từng là nhà báo. Phóng viên cho Reuters, tạp chí Time, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor.
Theo học trường Collège de Can Tho.
Năm 1948
Tham gia Thanh Niên Tiền Phong và sau đó, làm thơ ký cho hãng dầu lửa Caltex.
Năm 1950
Làm nhân viên Sở Quan Thuế Saigon để thi hành nhiệm vụ là tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự từ Pháp sang VN. Đây là lần đầu tiên làm nhiệm vụ tình báo cùng với 14 ngàn gián điệp được cài cắm vào hoạt động.
Năm 1952
Phạm Xuân Ẩn ra Chiến Khu D và đã được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủu viên Uỷ Ban Hành Chánh Nam Bộ giao cho nhiệm vụ làm tình báo chiến lược.
Năm 1953
Phạm Xuân Ẩn được Lê Đức Thọ kết nạp vào đảng tại rừng U Minh, Cà Mau.
Năm 1954
Phạm Xuân Ẩn bị gọi nhập ngũ và được trưng dụng ngay vào làm thư ký Phòng Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Tổng Hành Dinh Liên Hiệp Pháp tại Camps Aux Mares (Thành Ô Ma) Tại đây, Ẩn được quen biết với Đại tá Edward Landsdale, trưởng phái bộ đặc biệt của Mỹ (SMM), trên thực tế, Landsdale là người chỉ huy CIA tại Đông Dương. cũng là trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) tại Saigon.
Năm 1955
Theo đề nghị của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Mỹ, Phạm Xuân Ẩn tham gia soạn thảo tài liệu tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần cho quân đội. Tham gia thành lập cái khung của 6 sư đoàn đầu tiên của QLVNCH, mà nồng cốt là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp trước đó.
Phạm Xuân Ẩn còn được giao nhiệm vụ hợp tác với Mỹ để chọn lựa những sĩ quan trẻ có triển vọng đưa sang Mỹ đào tạo, trong số đó có Nguyễn Văn Thiệu, sau nầy trở thành tổng thống VNCH.
Năm 1957
Tháng 10 năm 1957, Mai Chí Thọ và Trần Quốc Hương (Mười Hương) chỉ đạo cho Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ du học ngành báo chí để có cơ hội đi khắp nơi, tiếp cận với những nhân vật có quyền lực nhất.
Năm 1959
Phạm Xuân Ẩn về nước, nhờ những mối quan hệ, Ẩn được bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị Và Văn Hóa Xã Hội (Thực chất là cơ quan mật vụ của Phủ tổng thống), biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn Xã, phụ trách những phóng viên ngoại quốc làm việc ở đó.
Năm 1960
Từ năm 1960 đến giữa 1964, Phạm Xuân Ẩn làm việc cho hảng thông tấn Reuters. Từ 65 đến 67, Ẩn là người Việt duy nhất và chính thức làm việc cho tuần báo Time. Ngoài ra, còn cộng tác với báo The Christian Science Monitor...
Từ 1959 đến 1975
Với cái vỏ bọc là phóng viên, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, với các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và với cả CIA , Ẩn đã thu thập được nhiều tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và các cơ quan tình báo.
Những tin tức tình báo chiến lược của Ẩn đã được gởi ra Hà Nội thông qua Trung Ương Cục Miền Nam. Tài liệu sống động và tĩ mỉ khiến cho Võ Nguyên Giáp đã reo lên "Chúng ta đang ở trong Phòng Hành Quân của Hoa Kỳ".
Tổng cộng, Ẩn đã gởi về Hà Nội 498 tài liệu gốc được sao chụp.
Giai Đoạn 1973-1975
Hàng trăm bản văn nguyên bản đã phục vụ "Hạ Quyết Tâm Giải Phóng Miền Nam " của đảng CSVN.
Phạm Xuân Ẩn là nhân vật được chèo kéo của nhiều cơ quan tình báo, kể cả CIA .
Ngày 30-4-1975, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nhà báo chứng kiến cảnh xe tăng của VC hút đỗ cổng Dinh Độc Lâp. Từ đó cho đến vài tháng sau, các phóng viên, đồng bào và cả chính quyền mới cũng chưa biết Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên Cộng sản.
Vợ con của Phạm Xuân Ẩn đã di tản sang Hoa Kỳ. Ẩn cũng được lịnh của cấp trên sang HK để tiếp tục hoạt động tình báo. Nhưng Ẩn đã xin ngưng công tác vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Do kế hoạch thay đổi, cho nên mãi 1 năm sau, vợ con của Ẩn mới có thể quay về VN bằng đường vòng Paris, Moskva, Hà Nội, Saigon.
* Sau chiến tranh
Ngày 15-1-1976, trung tá "Trần Văn Trung", tức Phạm Xuân Ẩn, được phong tặng "Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang".
Tháng 8 năm 1978, Ẩn ra Hà Nội dự khóa học tập chính trị 10 tháng vì Ẩn "sống quá lâu trong lòng địch".
Theo Larry Berman thì Ẩn bị nghi kỵ và bị quản chế tại gia. Cấm liên lạc với báo chí ngoại quốc và cấm xuất cảnh, do cách suy nghĩ của Ẩn quá "Mỹ" và do Ẩn đã giúp bác sĩ Trần Kim Tuyến ra khỏi VN ngày 30-4-1975 .
Năm 1986
Trong 10 năm, luôn luôn có 1 công an làm nhiệm vụ canh gác trước nhà của Phạm Xuân Ẩn.
Năm 1990
Đại tá Phạm Xuân Ẩn được thăng thiếu tướng.
Năm 1997
Chánh phủ VNCS từ chối không cho Ẩn đi Hoa Kỳ để dự hội nghị tại New York mà Ẩn được mời với tư cách là khách mời đặc biệt.
Năm 2002
Phạm Xuân Ẩn về nghỉ hưu.
Con trai lớn của Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân, đã du học Mỹ, hiện đang làm việc tại Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Con gái của Ẩn hiện đang sống ở Hoa Kỳ.
Thất Vọng
Trong những năm cuối đời, Phạm Xuân Ẩn cảm thấy rất thất vọng vì dân chúng không được viết tự do. Ẩn trối trăn trước khi chết là, "đừng chôn ông gần những người Cộng Sản".
* Nhận định về Phạm Xuân Ẩn.
Lê Duẩn
Đã biểu dương Phạm Xuân Ẩn coi đó là 1 chiến công có tầm cỡ quốc tế.
Frank Snepp, cựu chuyên viên thẩm vấn CIA , tác giả cuốn sách Decent Interval (Khoảng cách thích đáng) nói:"Phạm Xuân Ẩn đã có được nguồn tin tình báo chiến lược, điều đó rõ ràng, nhựng chưa ai "Dẫn con mèo đi ngược" để thực hiện 1 cuộc xét nghiệm pháp y về các tác hại mà ông đã gây ra, Cơ quan CIA không có gan để làm việc đó." Hết trích.
Murrray Gart, thông tín viên trưởng của báo Time nói "Thằng chó đẻ ấy, tôi muốn giết nó".


2.3. PHẠM NGỌC THẢO
1. Thân thế
Phạm Ngọc Thảo sanh ngày 14-2-1922 tại Sàigon. Cha ông là Phạm Ngọc Thuần, một địa chủ lớn, có quốc tịch Pháp, người Công giáo. Còn có tên là Albert Thảo hoặc 9 Thảo, vì Thảo là con thứ 8 trong gia đình.
Sau khi đậu tú tài, Thảo ra Hà Nội học và tốt nghiệp kỹ sư công chánh.
Thảo tuyên bố bỏ quốc tịch Pháp và tham gia kháng chiến.


2. Hoạt động VC
Sau khi tốt nghiệp trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, Thảo về nhận nhiệm vụ giao liên ở Phú Yên. Một lần, Thảo đưa 1 cán bộ về Nam Bô. Đó Là Lê Duẩn, người đã có ảnh hưởng lớn về hoạt động tình báo của Thảo sau nầy.
Được bổ làm Tiểu đoàn trưởng TĐ 410, quân khu 9. (Có tài liệu nói là TĐ 404 hoặc 307). Trong thời gian nầy, Thảo hướng dẫn chiến tranh du kích cho Trần Văn Đôn, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim, những người sau nầy trở thành tướng lãnh của QLVNCH.
Vợ là Phạm Thị Nhậm, em ruột giáo sư Phạm Thiều, nguyên đại sứ tại Tiệp Khắc.


3. Hoạt động tình báo
Sau Hiệp Định Genève, Lê Duẩn chỉ thị cho Phạm Ngọc Thảo không được tập kết ra Bắc phải ở lại để hình thành Lực lượng thứ 3.
Từ đó, Thảo dạy học ở một số tư thục Saigon.
Phạm Ngọc Thảo đã bị Đại tá Mai Hữu Xuân, Giám Đốc An Ninh Quân Đội, lùng bắt nhiều lần nhưng đều trốn thoát. Sau cùng, Thảo về Vĩnh Long làm nghề dạy học. Tỉnh nầy thuộc địa phận của Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục, vốn đã quen biết với gia đình Thảo từ trước. Ngô Đình Thục coi Phạm Ngọc Thảo như con nuôi và bảo lãnh cho vào dạy học ở trường Nguyễn Trường Tộ.
Năm 1956
Phạm Ngọc Thảo được phép đưa vợ con về Saigon và vào làm việc ở Ngân Hàng QG. Rồi được chuyển ngạch sang quân đội với cấp bậc Đại uý "Đồng Hóa".
Năm 1956
Do sự giới thiệu của Huỳnh Văn Lang, Tổng Giám đốc Viện Hối Đoái, Bí thư Liên Kỳ Bộ của đảng Cần Lao, Phạm Ngọc Thảo được cử đi học khóa Nhân Vị ở Vĩnh Long. Và Thảo đã gia nhập đảng Cần Lao.


4. Hoạt động trong Quân Lực VNCH
- Chức vụ Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Vĩnh Long.
- Tuyên Huấn đảng Cần Lao Nhân Vị.
Thảo biết cách khai thác nghề viết báo của mình và về Binh pháp Tôn Tử. Chỉ trong vòng một năm, Thảo đã viết 20 bài báo nói về chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy, huấn luyện quân sự, phân tích binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo. Những bài báo được giới quân sự chú ý và cả TT Diệm và Ngô Đình Nhu.
Năm 1957
Phạm Ngọc Thảo được chuyển về Phòng Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng thống với cấp bậc thiếu tá. Sau đó, giữ chức Tỉnh Đoàn trưởng Bảo An Bình Dương.
Năm 1960
Phạm Ngọc Thảo tham dự khóa Chỉ Huy Tham Mưu ở Đà Lạt. Giữ chức vụ Thanh Tra Khu Trù Mật.
Năm 1961
Phạm Ngọc Thảo được thăng trung tá, giữ chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa để trắc nghiệm chương trình bình định. Thời gian nầy, Kiến Hòa (Bến Tre) trở nên ổn định không còn phục kích hay phá hoại nữa.
Tuy nhiên có nhiều tố cáo Thảo là Cộng sản nằm vùng. Thảo bị ngưng chức tỉnh trưởng Kiến Hòa và đi học khóa Chỉ Huy THam Mưu ở Hoa Kỳ.
Lý do là, Thảo đã thả hơn 2000 tù nhân đã bị giam giữ và liên lạc với bà Nguyễn Thị Định.


5. Tham gia các cuộc đảo chánh

1. Đảo chánh lần thứ nhất, 1963
Tháng 9 năm 1963, bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị (Thực chất là trùm mật vụ) và Phạm Ngọc Thảo âm mưu 1 cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm.
Phạm Ngọc Thảo đã kêu gọi được một số đơn vị như Quân Đoàn 3, Quân Đoàn 4, Biệt Động Quân, Bảo An sẵn sàng tham gia. Nhưng âm mưu bị nghi ngờ. Trần Kim Tuyến bị đưa đi làm Tổng Lãnh Sự ở Ai Cập.
Sau ngày đảo chánh 1-11-1963 , Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đỗ. Phạm Ngọc Thảo thăng chức Đại tá làm Tuỳ Viên báo chí trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Một thời gian sau, được cử làm Tuỳ viên Văn hóa tại Tòa đại sứ VNCH ở Hoa Kỳ.
2. Đảo chánh lần thứ hai năm 1965
Đầu năm 1965, Phạm Ngọc Thảo bị gọi về nước vì Nguyễn Khánh muốn bắt Thảo. Vì thế, khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất, Thảo đào nhiệm, bỏ trốn và bí mật liên lạc với các lực lượng đối lập để tổ chức đảo chánh.
Đảo chánh với lý do rất quan trọng mà Thảo nắm được là Nguyễn Khánh và Hoa Kỳ thỏa thuận sẽ ném bom xuống miền Bắc vào ngày 20-2-1965 . Vì vậy phải đảo chánh lật Nguyễn Khánh vào ngày 19-2-1965 .
Ngày 19-2-1965
Phạm Ngọc Thảo và Tướng Lâm Văn Phát đem quân và xe tăng vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Saigon, bến Bạch Đằng và phi trường Tân Sơn Nhất. Tướng Nguyễn Khánh đào thoát bằng máy bay ra Vủng Tàu.
Ngày 20-2-1965
Hội Đồng các tướng lãnh họp tại Biên Hòa các tướng cử Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống lại đảo chánh. Nguyễn Chánh Thi ra lịnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát và 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong 24 giờ.
Ngày 21-2-1965
Các tướng tiếp tục họp tại Biên Hòa quyết định giải nhiệm Nguyễn Khánh và cử tướng Trần Văn Minh làm Tổng Tư Lệnh QLVNCH.
Ngày 22-2-1965
Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký sắc lịnh bổ nhiệm tướng Nguyễn Khánh làm Đại sứ lưu động. (Một hình thức trục xuất ra khỏi nước)
Ngày 25-2-1965
Nguyễn Khánh rời Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo bỏ trốn.


6* Bị bắt và qua đời
Ngày 11-6-1965
Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát tuyên bố trả quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Quân đội.
Ngày 14-6-1965
Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia được thành lập do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch.
Phạm Ngọc Thảo phải rút vào hoạt động bí mật. Thảo cho xuất bản tờ báo Việt Tiến mỗi ngày phát hành 50,000 tờ, tuyên truyền tinh thần yêu nước chống Mỹ và Thiệu.
Phạm Ngọc Thảo có 1 hàng rào bảo vệ rộng lớn từ các Xứ Đạo Biên Hòa, Hố Nai, Thủ Đức, Saigon. Có nhiều linh mục giúp đở in ấn và phát hành. Chính quyền Thiệu-Kỳ kết án tử hình và treo giải thưởng 3 triệu đồng cho ai bắt được Thảo.
Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) kể lại "Tôi thấy Thảo gặp khó khăn nên đi tìm anh để đưa về chiến khu, nhưng anh bảo vẫn còn khả năng đảo chánh để ngăn chận việc đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam". (Võ Văn Kiệt)
Lâm Văn Phát ra trình diện và chỉ bị cách chức.
Phạm Ngọc Thảo phải trốn nhiều nơi, cuối cùng bị bắt tại Đan Viện Phước Lý, xã Vĩnh Thanh, quận Nhơn Trạch, Biên Hòa.
Lúc 3 giờ sáng ngày 16-7-1965, Thảo vừa ra khỏi Đan Viện Phước Lý thì bị An ninh Quân Đội phục kích bắt và đưa về 1 con suối nhỏ gần Biên Hòa để thủ tiêu. Tuy nhiên, Thảo không chết, chỉ bị ngất xĩu vì đạn trúng vào càm. Khi tĩnh dậy, Thảo lê lết về một nhà thờ và được Linh mục Cường, Cha Tuyên Uý của Dòng Nữ Tu Đa Minh cứu chữa.
Và Thảo bị phát giác, bị đưa về Cục An Ninh QĐ đường Nguyễn Bĩnh Khiêm. Thảo bị tra tấn cho đến chết vào đêm 17-7-1965. 43 tuổi.
Theo Larry Berman trong cuốn "Perfect Spy" thì TT Thiệu ra lịnh tra tấn và hành hạ Thảo cho thật đau đớn bằng cách dùng 1 cái thòng lọng bằng da, buộc quanh cổ và 1 cái khác thì siết mạnh nơi tinh hoàn. Cũng có tin nói rằng Đại uý Hùng Sùi bóp dái Thảo cho đến chết.
Phạm Ngọc Thảo có 7 con và vợ Thảo đi dạy hoc. Tất cả hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Có người con là bác sĩ ở Quận Cam, Cali.
Phạm Ngọc Thảo là 1 điệp viên đơn tuyến. Không có thượng cấp và thuộc cấp. Không thu thập tin tức mà chỉ tác động vào chính quyền.
Nhà nước CSVN truy tặng Thảo danh hiệu Liệt sĩ và quân hàm Đại tá QĐNDVN.
Cũng có nguồn tin cho rằng Phạm Ngọc Thảo là 1 gián điệp nhị trùng, nghĩa là làm việc cho CIA nữa.
Trúc Giang Minnesota

ÔNG CỐ VẤN : HUỲNH VĂN TRỌNG LÀ AI ?

Kính gởi Anh Năm,
(để kỷ niệm một thời tận tụy cho Tổ Quốc)

 BBT: Từ đầu năm 1970, chúng ta được nghe một sư kiện hết sức quan trọng và thích thú: Cố vấn của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Huỳnh văn Trọng đã bị bắt vì tội làm gián điệp cho Cộng sản Bắc Việt. Cùng bị bắt với ông, còn có tên Vũ ngọc Nhạ và hơn 20 đồng bọn khác, đang hoạt động nội tuyến trong bộ máy công quyền của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
 Ngoại trừ những người trong cuộc, đã đóng góp công sức trong việc phá vỡ tổ chức này, còn những người khác chỉ nghe một cách mơ hồ, từ đó nãy sinh biết bao nghi vấn, mà ở một đất nước đang có chiến tranh, những nghi vấn thường được khai thác, thêu dệt bởi những thành phần cầu an, phản chiến, kể cả kẻ thù là bọn cộng sản nằm vùng. . .
 Bài viết này ra đời sau bao nhiêu đắn đo của tác giả cùng với những yêu cầu của BBT, vì chúng tôi thấy đã quá trể để nói lên những sự thật mà chúng ta cần biết.
 Chúng ta đã nhận diện kẻ thù, chúng ta không thể không có những câu hỏi tiếp theo: “Số phận của Huỳnh Văn Trọng sau tháng 4 năm 1975 ra sao ?  còn sống hay đã chết? và . . .”
 Chúng tôi xin trả đất lại cho tác giả . . .

- & -
 I.- NỘI DUNG SỰ VIỆC :
 Trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, có một đơn vị chuyên đảm trách nhiêm vụ An ninh và Tình báo, đó là ngành Đặc Biệt. Phương tiện chánh yếu để thu lượm tin tức, từ bạn cho tới kẻ thù, ngành Đặc Biệt đã xử dụng những mạng lưới mật báo trên khắp mọi địa bàn, mọi tổ chức, từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, cái nôi của bọn Cộng sản Việt Nam. . .
 Vào trung tuần tháng 6 năm 1968, theo báo cáo của Tình báo viên Z.23, sau nhiều lần đến sửa nhà cho tên Thúy tại hẻm không số đường Bạch Đằng, Gia định, đương sự đã được tên này tin tưởng và tiết lộ nhiều tin tức liên quan đến các hoạt động của Việt cộng tại miền Nam Việt Nam. Y đặc biệt đề cao sự giúp đở của hai nước đàn anh Liên sô và Trung cộng cho Cộng sản Bắc Việt và hết sức ca ngợi những chiến tích của bọn Cộng sản xâm lược tại miền Nam. Y còn khoát lát khoe khoang là hiện nay cách mạng đã có mặt hầu hết mọi nơi trong các phủ bộ chánh yếu của Việt Nam Cộng Hòa, do đó, mọi tin tức dù bí mật đến đâu, bọn chúng cũng đều nắm vững và kịp thời báo cáo về cấp trên để có biện pháp đối phó.
 II.- KẾT QUẢ ĐIỀU TRA:
 Qua báo cáo sự việc, S2B nhận thấy đây có thể là một đầu mối khả tín, vì qua những lần thử thách trước đây, Tình Báo Viên (TBV) thường cung cấp nhiều tin tức có giá trị cao, nên đã bí mật mở cuộc điều tra, để tìm hiểu về lai lịch của tên Thúy, cùng tất cả những dữ kiện liên hệ tới thân nhân, bạn bè, nghề nghiệp v.v. . .
 Kết quả điều tra sơ khởi, ghi nhận tên thật của y là Lê hữu Thúy, cư ngụ tại . . . đường Bạch Đằng, Gia Định, hiện làm việc tại Bộ Chiêu Hồi, với chức vụ là Đổng Lý Văn phòng. Qua toán giám thị báo cáo, hàng ngày y đi làm bằng chiếc xe Mobylette tự động màu xanh xám, loại xe mà các cán bộ Tình báo Cộng sản thường dùng theo kinh nghiệm đánh phá các tổ chức tình báo chiến lược trước đây mà S2B được biết. Phải chăng Lê hữu Thúy không thoát khỏi thông lệ này. Theo tiền tích ghi nhận, tên Thúy trước đây, thời đệ nhất Cộng Hòa, đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt miền Trung bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp, dưới quyền điều khiển của tên đại tá Lê Câu, Cục trưởng Cục Tình Báo miền Nam của Cộng sản.
 Tưởng cũng cần nói thêm, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, phối hợp cùng Ty Công An Huế, đã bắt trọn đám gián điệp của Cộng sản. Các tên như Lê hữu Thúy, Vũ ngọc Nhạ, Vũ hữu Ruật, Huỳnh văn Trọng. . . bị bắt tại Huế, còn tên đầu sỏ Lê Câu, cấp bậc Đại tá, bị bắt tại Saigon. Sau đó, bọn này bị đưa ra tòa, và đang thụ hình tại Côn đảo thì cuộc đảo chánh 1/11/1963 xảy ra. Do sự cứu xét của Hội Đồng Cách Mạng, do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu, tất cả số này và những tù Cộng sản khác đều được trả tự do, ngược lại, những người có công trong việc truy bắt bọn Cộng sản, không chỉ riêng vụ này, đều bị bắt vô tù, kể cả Ông Tổng Giám Đốc Cảnh Sát và Công An thời đó là Đại Tá Nguyễn văn Y.
 Với kết quả ghi nhận, dù ngắn gọn, nhưng cũng đủ cho S2B đánh giá, có thể tên Thúy đang tái hoạt động cho Cộng sản. Nhưng để xác định về tổ chức, thành phần nhân sự . . . của nhóm này, còn cần có nhiều thời gian điều tra, theo dõi tiếp. Một toán giám thị đặc biệt, gồm toàn những cán bộ giỏi của S2B đã được bố trí giám sát chặt chẽ mọi hành tung thường nhật của tên này 24/24 giờ. Đồng thời lợi dụng ưu thế xâm nhập, nhờ tình báo viên Z.23 đã được tên Thúy tin tưởng, giao sửa những hư hỏng vặt vảnh trong nhà, S2B đã hướng dẫn TBV Z.23 bí mật lắp đặt một hệ thống nghe lén để ghi tất cả nội dung các cuộc tiếp xúc của mục tiêu với những phần tử liên hệ trong tổ chức.
 Sau một thời gian theo dõi, S2B đã phát hiện được một mục tiêu rất đáng quan tâm. Ngày . . . tháng . . . năm 1969, mục tiêu đến tiếp xúc với tên Thúy vào lúc 8 giờ tối, cũng xử dụng chiếc xe Mobylette màu xanh xám. Hai bên đã bàn thảo nhiều về tình hình chính trị Thế Giới, trong đó có sự thắng thế của khối Cộng sản Quốc tế, cầm đầu là Liên Sô, thế mạnh của Cộng sản Việt Nam trong khối thứ 3, những chiến thắng dồn dập của Việt cộng tại miền Nam v.v. . . Trong đó có đề cập tới ưu thế của Cộng sản Bắc Việt trong bàn Hội nghị sắp diễn ra tại Paris vào đầu nam 1969. Rõ rệt đây là sinh hoạt nội bộ của cấp cơ sở và tên lạ mặt này chắc chắn là một cấp chỉ huy của Lê hữu Thúy. Vậy y là ai ? Đang làm gì, ở đâu ?
 Kết quả điều tra sau đó, cho biết kẻ lạ mặt này tên là Vũ ngọc Nhạ, với tiền tích hoạt động như sau :
 - Trước đây, y nguyên là Tổ trưởng điệp báo Cộng sản, dưới quyền điều khiển của tên Lê Câu, Đại tá Cục Trưởng cục Tình báo miền Nam, đã bị Đoàn Công tác Miền Trung và Ty Công An Tỉnh Thừa Thiên bắt giữ thời Đệ nhất Cộng Hòa và được phóng thích sau cuộc đảo chánh 1/11/1963. Sau đó, tên này tiếp tục sống dưới danh nghĩa của một nhà giáo và được che chở với chiêu bài của một tín đồ ngoan đạo, y tìm cách xâm nhập vào sinh hoạt của các Linh Mục có thế lực và có quá trình chống cộng tích cực để dễ dàng hoạt động như Linh Mục Hoàng Quỳnh ở giáo xứ Bình An (Quận 7) , Linh Mục Nhuận (?)ở nhà thờ Tân Định, là Cha đở đầu của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.v.v. . . Nhờ giả vờ ăn nói dịu dàng, lễ phép, lại hiểu biết nhiều về tình hình chính trị quốc tế và quốc nội. . . nên được hầu hết các Cha thương mến. Các kế hoạch y đệ trình để “đánh phá” Cộng sản rất được các Linh Mục này chú ý như kế hoạch xử dụng những cựu kháng chiến, những hồi chánh viên có khả năng và kinh nghiệm. . . Mục đích của y là để Cộng sản có dịp cài người của chúng vào sâu trong chánh quyền của ta qua con đường trá hồi chánh sau này. Hầu hết các đề nghị của y đều được các Cha ủng hộ mạnh mẽ và đã lần lượt giới thiệu lên cho Tổng Thống. (Nhờ vậy, sau 30/4/1975 y mới có dịp huênh hoang, tự xưng mình là Cố vấn của Tổng Thống VNCH). Sau đó, mọi hoạt động của bọn này đã được từ từ bao vây và xiết chặt.
 Ngày . . . tháng . . . năm 1969, toán theo dõi phát hiện, mục tiêu xuất hiện từ nhà tại Hàng Xanh Gia Định - dùng xe Mobylette di chuyển về hướng Đại lộ Thống Nhất, chạy thẳng về Dinh Độc Lập, đến cổng sau gởi xe và đi vào bên trong. Độ nửa giờ sau thì trở ra, lấy xe và đi trở về nhà.
 Y đã gặp ai trong đó? Tổ chức này quả có phần lợi hại và là một mục tiêu hết sức hấp dẫn của Khối Đặc Biệt. Có phải chăng chính tên Vũ ngọc Nhạ này là người mà Lê hữu Thúy đã tiết lộ với TBV/ Z. 23 là tổ chức của y đã cài được người vào tận dinh Tổng Thống ? Trong chiều hướng đó, Khối Đặc Biệt nhất định phải vén cái màn bí mật này càng sớm càng tốt.
 Chỉ một thời gian ngắn sau đó, toán theo dõi ưu tú của S2B đã phát hiện được một sự kiện quan trọng :
 Ngày . . . tháng . . . năm 1969, mục tiêu xuất hiện tại nhà, cũng dùng xe Mobylette đi về hướng Saigon. Khi đến góc đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, y ngừng lại, gởi xe và vào nhà hàng Brodard ngồi uống nước và chờ đợi. Độ 10 phút sau, một người đàn ông trạc chừng 60 tuổi, ăn mặc khá lịch sự xuất hiện, đến bắt tay y, rồi ngồi xuống cạnh bên, tay cầm theo một bao thơ lớn màu vàng, khá nặng, dường như có một quyển sách bên trong ( theo báo cáo của toán giám thị ). Hai bên tiếp xúc nhau khoảng nửa giờ thì người đến sau đứng dậy giả từ và để lại bì thơ trên bàn cho tên Nhạ.
 Toán giám thị theo dõi sát tên này. Đương sự đến chiếc xe Citroen loại 2 ngựa màu xám mang bảng số EB . . . đậu bên vệ đường, mở máy, di chuyển về đường Tự Do, đến Nhà Thờ Đức Bà thì chạy về hướng Nguyễn Du, sau đó quẹo về đường Huyền Trân Công Chúa, tức ngả sau Dinh Độc Lập và chạy thẳng vào bên trong.
 Không còn nghi ngờ gì nữa. Mục tiêu này chắc chắn phải có sự liên hệ mật thiết với Vũ ngọc Nhạ. Dồn hết mọi nổ lực, các chiến sĩ vô danh Cảnh Sát Quốc Gia quyết định phải biết cho kỳ được nơi cư ngụ của mục tiêu quan trọng này. Đến 8:30 giờ tối, mục tiêu trở ra, hướng về đường Tự Do, đến số . . . thì dừng lại, tắt máy xe Citroen, lên lầu, đến phòng số . . . thì mở cửa vào trong. Đến khoảng 10 giờ thì tắt đèn. Đây là nơi cư ngụ của mục tiêu.
 Sưu tra tờ khai gia đình, ghi nhận chủ hộ có tên là Nguyễn văn Tư. Kết quả sưu tra văn khố, đương sự vô danh. Qua cách phục sức, luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, lúc nào cũng thắt cà- vạt, thỉnh thoảng lại mặc áo Veston đi làm, chứng tỏ mục tiêu không phải là một “nhân vật tầm thường”, ít ra cũng thuộc hàng Chủ sự hay Chánh Sở gì đó.
 Khối Đặc Biệt đã bí mật chụp ảnh tên này và qua ảnh phóng đại, Trung tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt, xác nhận đây chính là tên Huỳnh văn Trọng, Cố vấn của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, mà có lần, Trung tá Nguyễn Mâu đã được gặp nhân dịp vào dinh Độc Lập yết kiến Tổng Thống Thiệu.
 Kết quả sưu tra hồ sơ Đặc Biệt, ghi nhận trước đây Huỳnh văn Trọng có vào khu theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau bỏ ngũ trở về thành hoạt động trong các đảng phái chính trị tại miền Nam.
 Với một quá khứ mù mờ nhu vậy, tại sao Huỳnh văn Trọng lại lọt được vào dinh Độc lập và làm đến chức Cố vấn cho Tổng Thống? Lẽ ra, với chức vụ quan trong như vậy, y phải được điều tra thật cẩn thận trước khi được tin dùng. Vấn đề điều chuẩn an ninh nhất định không được bỏ qua. Đàng này rất tiếc nhưng không quá muộn, vì dù sao đương sự cũng đang được lọt vào “đôi mắt xanh” của anh em Cảnh Sát Đặc Biệt rồi!


 III.- BIỆN PHÁP DỐI PHÓ:
 Nổ lực tiếp tục điều tra theo dõi 3 mục tiêu đầu sỏ này, S2B ngày càng thu thập them nhiều bằng cớ quan trọng khác, xác nhận cả ba đang cùng nằm trong một tổ chức Tình báo Chiến lược, đã ăn sâu gốc rễ vào dinh Độc Lập. Chúng có cả hộp thư an toàn, hệ thống giao liên vào mật khu và lịch trình tiếp xúc được ấn định trước.
 Nhưng công tác còn cần được nuôi dưỡng thêm một thời gian nữa, vì dù sao, đây chỉ mới là giai đoạn đầu của mục tiêu xâm nhập được đề ra, là bọn đầu não của chúng, Phòng Tình Báo Chiến Lược, thuộc Trung Ương Cục miền Nam, trực thuộc Cục Nghiên Cứu Bắc Việt. Do đó, công tác mang ngụy danh “Đống Đa” được thành hình.
 Để thực hiện kế hoạch này, Khối Đặc Biệt lần lượt làm những việc sau đây:
 - Thứ nhất: Thẩm tra lại sự trung thực của TBV/ Z 23, qua máy kiểm tra nói dối. Kết quả xác nhận những báo cáo của TBV/ Z 23 từ trước đến nay đều ở mức độ cao, khả tín.
 - thứ hai: Báo trình kết quả điều tra sơ khởi lên Thủ Tướng Chính Phủ để có biện pháp. Sau đó, Thủ Tướng Trần thiện Khiêm đã đích thân đến Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (lúc chưa thành Bộ Tư Lệnh) trực tiếp gặp TBV/ Z 23 để hỏi chi tiết nội vụ. Trong tinh thần tiếp xúc cởi mở, trước sự chứng kiến của Chuẩn Tướng Trần văn Hai, Tổng Giám Đốc CSQG lúc bấy giờ và Trung Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt, TBV/ Z 23 đã kể lại tất cả nội vụ. Thủ Tướng lắng nghe mọi chi tiết báo cáo của TBV. Sau cùng, Thủ Tướng Chính Phủ đã đưa ra 2 đề nghị để khích lệ, tùy TBV lựa chọn:
 1/ Sau khi phá vở công tác có kết quả, TBV sẽ được tuyển chọn chánh thức vào làm nhân viên CSQG, ngành Đặc biệt, với ngạch Phó thẩm Sát Viên tập sự (tương đương với Trung sĩ sau này)
 2/ Tình báo viên sẽ được đi du lịch Hoa Kỳ 10 ngày, mọi chi phí Chính Phủ sẽ đài thọ.
 Hai điều kiện dưa ra thật hấp dẫn, nhưng TBV/ Z 23 chẩm rải thưa với Thủ Tướng: “Kính thưa bác, cháu vốn dĩ ít học, không biết chút gì về ngoại ngữ nên không dám đi Mỹ một mình. Sau này nếu cháu làm việc có kết quả, cháu chỉ xin bác cho cháu được thật sự vào làm việc trong ngành Cảnh Sát để có cơ hội tiếp tục phục vụ đất nước, như vậy là cháu mãn nguyện lắm rồi, không dám mơ ước gì hơn nữa”.
 Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, Thủ Tướng nói: “Bác hứa với cháu là nếu cháu làm việc có kết quả, Bác sẽ cho cháu được nhập ngạch thẳng vào ngành CSQG như cháu mong muốn. Chuẩn Tướng Trần văn Hai và Trung Tá Nguyễn Mâu sẽ đích thân làm việc này giúp cháu, cháu cứ yên tâm và làm việc cho tốt”.
 (Tưởng cũng cần nói rõ là một nhân viên Cảnh Sát khi được tuyển dụng vào ngành CSQG, cấp bậc khởi đầu là Cảnh Sát Viên Phù động Đồng Hóa Công Nhật. Với ngạch này, ít nhất là 5 năm sau, nếu chịu khó làm việc, tạo được thành tích đáng kể mới hy vọng được nhập ngạch thực thụ với cấp bậc Phó Thẩm Sát Viên tập sự. Z 23 đã được Thủ Tướng hứa cho nhập ngạch ngay sau khi công tác phá vở có kết quả, quả thực là một tưởng thưởng khá đặc biệt, ít ai được).
 Sau buổi tiếp xúc, gặp gở TBV/ Z 23, Thủ Tướng đã quyết định trình nội vụ lên Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Đây là một sự kiện lịch sử có một không hai trong quá trình hoạt động Tình báo của Khối Đặc Biệt. Thuyết trình viên cho Tổng Thống là Trung Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt.
 Tổng Thống hết sức chú ý, lắng nghe từng chi tiết một. Sắc diện biến đổi từng lúc tùy theo nội dung sự việc mà Trung Tá Mâu trình bày. Sự xúc động nổi lên rõ rệt trên nét mặt đầy âu lo của Tổng Thống: một kẻ địch nguy hiểm đang nằm cạnh mình bấy lâu nay mà mình không hay biết!
 Trải qua gần 3 tiếng đồng hồ căng thẳng đến cực độ, Trung Tá Trưởng Khối đã đi đến kết luận: “Đây là một tổ chức Tình Báo Chiến Lược của Cộng Sản Bắc Việt, đã xâm nhập sâu vào cơ cấu chánh quyền ta qua sự điều khiển trực tiếp của Cục Nghiên Cứu miền Bắc. Tổ chức này hiện nằm trong tay của ta, nhưng Khối Đặc Biệt còn cần thêm một thời gian nữa để thu thập đầy đủ tài liệu và chứng cớ cũng như toàn bộ nhân sự của tổ chức để đánh phá. Đây quả là một thử thách cam go cho cả Khối Đặc Biệt và Tổng Thống, vì nó đòi hỏi một sự cẩn trọng và đấu trí hết sức cam go, chỉ một sơ hở nhỏ cũng đủ gây nghi ngờ cho những tên điệp báo cáo già này và sẽ đưa đến sự đổ vỡ toàn bộ cho công tác”.
 Tổng thống đã hết sức đắn đo suy nghĩ. Các cán bộ Cảnh Sát Dặc Biệt của Trung Tá Mâu có đủ khả năng cán đáng công tác lớn lao và nguy hiểm này hay kgông? Kế hoạch xâm nhập có bảo đảm được an toàn cá nhân cho Tổng Thống? Nỗi lo âu đang canh cánh trong lòng Tổng Thống. Ông muốn làm sao Khối Đặc Biệt sớm đánh phá tổ điệp báo nguy hiểm này.
 Thấu hiểu nỗi âu lo của Tổng Thống, qua những giọt mồ hôi luôn rịn ra trên trán, Trung Tá Mâu tuyên hứa với Tổng Thống sẽ làm hết sức mình để chấm dứt công tác trong một thời gian ngắn nhất. Nhưng việc trước tiên mà Khối Đặc Biệt mong mõi, là Tổng Thống tiếp tục duy trì mọi liên hệ với hai tên Vũ ngọc Nhạ và Huỳnh văn Trọng một cách bình thường. Tổng Thống không nên hạn chế việc ra vào Dinh Độc Lập của hai tên này, nhất là tên Huỳnh văn Trọng. Hãy để cho y vẫn tiếp tục vai trò “cố vấn” của mình bằng cách trao cho y những tài liệu, kế hoạch không có giá trị, để y mặc tình báo cáo về cho bọn Cộng sản Bắc Việt để chúng nghiên cứu khai thác.
 Kết quả vở bi hài kịch này đã được trình diễn khá xuất sắc. Trải dài gần một năm nuôi dưỡng, Huỳnh văn Trọng không hề mải mai nghi ngờ gì về vai trò Cố Vấn “bù nhìn” của mình. Tài liệu vẫn được y chuyển về mật khu tới tấp. Đối với Vũ ngọc Nhạ, mỗi lần đi câu hay đi săn về, Tổng Thống không quên gởi biếu cho y, khi thì một con cá (mua ngoài chợ), khi thì một miếng thịt nai (ở Long Thành), khiến y lúc nào cũng vênh vênh tự đắc. Y có biết đâu, sau lưng của y, lúc nào cũng có một toán theo dõi ngày đêm, bám sát mọi hành vi của y. Nhất nhất mọi hoạt động của y đều được bí mật thu hình. Nhờ vậy, sau khi đánh phá, cho y xem qua mọi sinh hoạt hàng ngày của mình qua màn ảnh TV, y gần như chết lặng không chối được nửa lời.


 IV/- PHÁ VỞ:
 Sau khi nắm vững được toàn bộ tổ chức điệp báo lợi hại này, nhận thấy việc nuôi dưỡng không còn hữu ích nữa, Khối Đặc Biệt đã đệ trình kế hoạch phá vỡ vào ngày N. nào đó thuận lợi nhất.
 Ngày N. đã đến. Khi toán giám thị phát hiện vào lúc 15 giờ ngày. . . tháng . . . năm 1970, tên Vũ ngọc Nhạ xuất hiện từ nhà ở đường Hàng Xanh- Gia Đinh- di chuyển về hướng Saigon, chạy thẳng về Ngã Sáu Chợ Lớn, đến góc đường Nguyễn tri Phương Minh Mạng thì dừng lại, dẫn xe lên lề và đứng bên đường chờ đợi. Độ 10 phút sau, một nữ giao liên mà Khối Đặc Biệt đã phát hiện trước trong lúc giám thị công tác này, xuất hiện. Tay y thị xách một cái túi nhỏ đi ngang qua mặt tên Nhạ. Sau khi nhận nhau, tên Nhạ lẵng lặng đi theo sau. Đi được một đoạn ngắn, nhìn kỹ trước sau thấy không có gì khả nghi, cả hai bắt đầu trao đổi tài liệu. Vũ ngọc Nhạ nhận cái túi nhỏ từ tay giao liên, đồng thời trao lại cho y thị một gói nhỏ bằng bao thuốc lá, và chia tay. Tên nữ giao liên đi thẳng về phía chợ An Đông, còn Vũ ngọc Nhạ quay trở lại lấy xe và chạy thẳng về nhà.
 Không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt hoặc một cá nhân nào, toán giám thị thứ hai tiếp tục bám sát nữ giao liên và khi đến một đoạn đường vắng vẻ nhất, bí mật mời y thị lên xe, chạy về cơ quan S2B với đầy đủ tang chứng. Cái hộp nhỏ mà Vũ ngọc Nhạ vừa trao cho y thị, bên trong đựng 3 ống thuốc đựng đầy “vi phim” sao chụp tài liệu “kế hoạch kinh tế hậu chiến” của Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Tài liệu này đã được Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu giao cho Huỳnh văn Trọng một tháng trước đó theo đề nghị của Khối Đặc Biệt.
 Xúc tiến kế hoạch đánh phá, ngay trong ngày hôm đó, tại dinh Độc Lập, Tổng Thống đã mở một bửa tiệc nhỏ để khoãn đãi “Ông Cố vấn” với lời cảm tạ sau cùng trước khi chấm dứt nhiệm vụ của Huỳnh văn Trọng.
Ngay đêm đó, khi vừa về đến nhà thì tên Trọng đã bị bắt giữ cùng lúc với Vũ ngọc Nhạ, Lê hữu Thúy và cả bọn, khoảng 25 tên.
 Cần nói thêm một điều, việc bắt giữ bọn này không đúng với “sách vở”, là ngay khi bắt tên nữ giao liên là phải bắt ngay Vũ ngọc Nhạ ngay chiều hôm đó, nhưng S2B không làm việc này vì 2 lý do :
 - Phải chờ Tổng Thống ký quyết định bãi chức “Cố vấn” của Huỳnh văn Trọng xong mới bắt luôn Nhạ và tất cả đồng bọn.
 - Dù S2B luôn theo sát bọn này, nhưng vẫn đề phòng trong tổ chức của chúng có nhóm phản theo dõi đi theo để bảo vệ cuộc tiếp xúc, trao đổi với nữ giao liên, nếu bắt Vũ ngọc Nhạ giữa chốn thanh thiên bạch nhựt sẽ là điều hết sức nguy hiểm, vì đồng bọn có thể được báo động và bôn tẩu, làm cuộc phá vở công tác không đem lại kết quả như mong muốn.
 Theo lời khai của Vũ ngọc Nhạ, chiếc túi nhỏ mà y đã nhận của nữ giao liên lúc ban chiều, trong có chứa một chỉ thị mật của căn cứ gởi cho đương sự: bức thư này được viết bằng một loại mực kín chỉ có thể mã hóa bằng một loại hóa chất đặc biệt do Liên Xô cung cấp. Chữ chỉ hiện lên và biến mất sau đó 15 phút.
 Tại hộp thơ đường Trần quang Khải, Đa Kao, ngân viên đã tịch thu được một số vi phim, đã vào sẵn trong các ống thuốc tây, nôi dung chụp lại các tài liệu mà Huỳnh văn Trọng, Lê hữu Thúy đã đánh cắp được từ Phủ Tổng Thống và Bộ Chiêu Hồi, trong đó có những kế hoạch vô giá trị mà Tổng Thống Thiệu đã đưa cho Huỳnh văn Trọng trước đây mà chúng chưa kịp chuyển về căn cứ.
 Trước những chứng cớ rành rành như vậy, cả 3 tên đầu sỏ đều thành khẩn nhận tội. Riêng Vũ ngọc Nhạ tỏ ra cởi mở và đã tâm sự với người viết bài này, là y không bao giờ nghĩ rằng tổ chứa của y có thể bị phát hiện, vì Tổng Thống Thiệu đối xử với y như một người thân trong gia đình. Y có ngờ đâu, đó chẳng qua cũng chỉ là kế hoạch của Khối Đặc Biệt đề ra nhằm ru ngủ y mà thôi. Sau này nằm trong tù chắc y có dịp nghiền ngẫm và thấm thía lắm . . . Y còn khoe khoang là có lần đã được Tổng Thống Thiệu ngỏ ý mời y làm Cố vấn cho Tổng Thống, nhưng y từ chối, vì y biết rằng, nếu y công khai chường mặt, sớm muộn gì cũng bị ngành an ninh của ta lột mặt nạ. Do đó y đã giới thiệu Huỳnh văn Trọng với Tổng Thống và y chỉ đứng trong bóng tối điều khiển sẽ có lợi hơn.
 Thành thật mà nói, trong giai đoạn đầu kế hoạch xâm nhập của tổ chức này khá thành công, nhưng may mắn nhờ ta lật tẩy sớm nên chúng chưa làm được việc gì quan trọng. Hầu hết những tài liệu chúng thu thập được chẳng qua chỉ là một mớ giấy lộn mà ta đã chọn để đưa cho chúng làm tin để bắt cả bọn mà thôi.
 Trong suốt cuộc điều tra theo dõi, S2.B đã theo dấu từng tên một, để từ đó có thể phăng lần ra những đồng bọn và manh mối khác. Nhưng trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới những tên quan trọng có liên hệ mật thiết với Huỳnh văn Trọng, ông Cố Vấn, mà thôi.
 Cuộc đấu trí đầy hứng thú đã chấm dứt, kèm theo gần 25 tên cán bộ và cơ sở của Tổ Điệp Báo này hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Trong đó có 3 tên đầu sỏ : Vũ ngọc Nhạ, Huỳnh văn Trọng và Lê hữu Thúy với 3 bản án chung thân, nằm ngoài Côn Đảo.

Phan Nhân 

Thursday, April 19, 2018

DU TỬ LÊ: THÊM MỘT 'ĐỨA CON HOANG ĐÃ TÌM VỀ NHÀ"

Nối gót Phạm Duy, Khánh Ly và nhiều văn nghệ sĩ khác, nhà thơ Du Tử Lê đã trở về Việt Nam, đi Hà Nội, ra mắt sách, ngồi chiếu dưới với những người thuộc "bên thắng cuộc".
Có còn không một Du Tử Lê của thời "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển"?


khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn.


Bài thơ, là của Du Tử Lê hồi đó.. Du Tử Lê bây giờ, khi chết xin người đừng mang xác ông ra biển. Chở xác một người con thoái hóa, biển sẽ trào lên những đợt sóng gào thịnh nộ . Ông cũng không phải lo xác khó tan rã trong đất lạ. Chiếc lá Du Tử Lê đã rụng về "cội", sẽ mục rã trong lòng đất mẹ xót xa khi nghe tin con đã đầu hàng, bỏ cuộc. "Đứa con lạc lối" đã tìm về nhà. Một cái gì đó trong phút cuối đời đã làm ông khuất phục.

Có còn không một Du Tử Lê của thời "đêm, nhớ trăng Sài gòn"?
(gửi Trần Cao Lĩnh)

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

đêm về theo bánh xe qua
nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào ?


1978
Bài thơ, của một Du Tử Lê thời "thanh niên vàng". Gần 40 năm sau, chất vàng của người thanh niên đã mờ nhạt. Có thể nó đang đỏ dần, đỏ dần. Hàng ngũ văn nghệ sĩ lưu vong chống cộng ngậm ngùi khi thấy thêm một chiến hữu mềm lòng, ngã quỵ.

Từ nay, tên du tử không còn phải lo đời lưu vong không cả một ngôi mồ nũa. Tên du tử năm xưa đã quỳ xuống van xin bọn người vẫn còn thù hằn với quá khứ của chính hắn để được trở về, nếu nằm xuống tại Việt Nam, sẽ được chế độ ban cho chút ơn. Sẽ có một nấm mồ hẳn hòi.

Dưới đây là những gì truyền thông tại Việt Nam đã viết về chuyến hồi hương của Du Tử Lê.

"Tối 3-6-2014, tai Gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội, nhà thơ Du Tử Lê có buổi gặp gỡ các bạn thơ và bạn đọc. Rất đông các bạn trẻ và các nhà thơ đến dự. Nhà thơ Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thụy Kha, Trần Nhương, Trần Quang Quý, Trung Trung Đỉnh...đã có mặt. Du Tử Lê giới thiệu tập thơ "Giỏ hoa thời mới lớn", một tập thơ dày dặn với trình bày bắt mắt của họa sĩ Lê Thiết Cương. Nhà thơ Bằng Việt, Thụy Kha, Nguyễn Quang Thiều phát biểu chào mừng Du Tử Lê đã trở về Hà Nội. Con đường dù rất dài rồi cũng đưa người con lạc lối trở về quê Mẹ.

ĐÔI NÉT VỀ DU TỬ LÊ
Sau Hiệp định Genève, 1954, vì nghe lời dụ dỗ của Mỹ Ngụy, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Cao học Đại học Văn Khoa.
Là môt thiên tài, ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài "Bến tâm hồn", đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng mang quân hàm Trung Tá, thuộc Quân ngụy Saigon, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân Ngụy), và là giáo sư Văn học của nhiều trường trung học Sài Gòn.

MỘT BÀI THƠ CỦA DU TỬ LÊ,
(viết về 30 tháng Tư/ 1975)

ai nhớ ngàn năm một nỗi mừng

Tháng tư đã đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối đường
Có môi, không nói lời ly biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia

Tháng tư nao nức chiều quên tắt
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe
Bước chân giải phóng từng khu phố
Và tiếng chân người như suối reo

Tháng tư khao khát, ngày vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao ngưòi biết trời đang sáng
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi

Tháng tư sum họp người đâu biết
Cảnh tượng hồn tôi: một bóng cờ
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí
Tôi đón anh về tự mỗi nơi

Tháng tư binh mã về ngang phố
Đôi mắt nhìn theo một nỗi mừng
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa
Tôi với người chung một bóng cờ

Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa
Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi
Làm sao anh biết khi xa bạn
Tôi cũng như người: Một nỗi vui

Tháng tư chăn gối nồng son, phấn
Đêm với ngày trong một tấm gương
Thịt, xương đã trả hờn sông, núi
Tôi với người, ai mang vết thương?

Tháng tư rồi sẽ ngàn năm nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai ngu sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi

Tháng tư nhắc nhở ngàn năm nữa!
Cảnh tượng hồn tôi những miếu đền
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tôị Mưa...đã ...mưa

Mai kia sống với vầng sao ấy
người có còn thương một bóng ai
Góc phố còn treo ngời lãnh tụ
Ai nhớ ngàn năm một bóng ai?"


Có thật Du Tử Lê đã viết bài thơ nói về 30 tháng 4 năm 1975, "ai nhớ ngàn năm một nỗi mừng" không? (*) Nếu bài thơ này thực sự là đứa con chữ nghĩa của ông thì những gì Du Tử Lê viết trên đường tỵ nạn có lẽ đã là những quái thai sinh ra trong cơn hoảng loạn, như Phạm Duy đã từng nói về các nhạc phẩm chống cộng của ông ta?

Trở lại với bản tin nói về cuộc về của Du Tử Lê.
Như để khoe khoang đảng đã chiêu dụ được một nhân vật từng là sĩ quan cao cấp của chế độ cũ, tên bồi bút nào đó đã thăng 2, 3 cấp cho Du Tử Lê, cho ông ta mang "quân hàm" "Trung Tá". Nên nhớ QLVNCH không dùng chữ "quân hàm", và cho đến năm 1975 Du Tử Lê vẫn còn mang cấp Uý. Trước những câu người khác nói về cá nhân mình như " Sau Hiệp định Genève, 1954, vì nghe lời dụ dỗ của Mỹ Ngụy, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình...", "thuộc Quân ngụy Saigon", "thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân Ngụy)", chẳng hay nhà thơ từng một thời mang căn cước tỵ nạn cộng sản có nghĩ gì không? Hay ông sẽ vui vẻ chấp nhận để buổi cuối đời được chết trong vòng tay "từ ái" của đảng? Cuộc về của Du Tử Lê đã cho người bên kia sảng khoái, đắc thắng thốt lên rằng "Con đường dù rất dài rồi cũng đưa người con lạc lối trở về quê Mẹ".

Đường đường là một tên tuổi lớn trên văn đàn tỵ nạn, nhà thơ nghĩ sao khi nghe người ta nói về mình như thế? Còn lời nào đau xót hơn "người con lạc lối trở về"? 

Nhà thơ đã không có lời nào. Có lẽ ông mặc nhiên chấp nhận trong gần 40 năm qua ông đã lầm đường cho nên bây giờ ông đã bỏ con đường đó để theo một con đường khác, tự xa rời hàng ngũ những văn nghệ sĩ chống cộng, quay lưng lại với độc giả vẫn hằng yêu mến thơ văn ông. Từ nay, những gì ông viết sẽ không còn có ích lợi gì cho cuộc chiến đấu chống cộng. Những ai được ông ca tụng, giới thiệu, phải nên đề phòng. Con ma cà rồng cộng sản sau khi hút máu nạn nhân nào sẽ biến nạn nhân đó trở thành tay sai cho chúng. 
Từ nay, với tôi, Du Tử Lê đã không còn nữa. 

VĐT
(*) Chú thích của người viết:

Du Tử Lê có bài “ai nhớ ngàn năm một ngón tay” rất giống với bài thơ trên. 

Có lẽ ai đó đã sửa lời bài thơ này và đặt cho nó cái tên “Ai nhớ ngàn năm một nỗi mừng”.

Đọc lại bài thơ, người ta có thể thấy những câu chắp vá, lời thơ trúc trắc, vần gieo sai một cách rất đáng nghi. 

Nếu không phải chính Du Tử Lê đã sửa thơ ông (phù thuỷ chữ nghĩa đâu cần phải sửa, ông thừa sức viết cả trăm bài ca tụng việt cộng, nếu muốn!) thì có thể Việt cộng đã dùng hạ chiêu để lôi hẳn Du Tử Lê về phía họ. Cũng có thể người nào đó với ác ý đã làm như thế để bôi nhọ Du Tử Lê.

Dẫu thế nào đi nữa, hành động khuất phục trước kẻ thù của DTL đã xóa trong tôi hình ảnh đẹp của một nhà thơ tôi từng yêu thích. Và như vậy, từ nay, với tôi, Du Tử Lê dã không còn nữa.

ai nhớ ngàn năm một ngón tay

Tháng tư tôi đến rừng chưa thức 
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya 
Có môi chưa nói lời chia biệt 
Và mắt chưa buồn như mộ bia 

Tháng tư nao nức chiều quên tắt 
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe 
Bước chân ai dưới tàng phong ốm 
Mà tiếng giày rơi như suối reo 

Tháng tư khao khát, đêm, vô tận 
Tôi với người riêng một góc trời 
Làm sao anh biết trăng không lạnh 
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi 

Tháng tư hư ảo người đâu biết 
Cảnh tượng hồn tôi : một khán đài 
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí 
Tôi đón anh về tự biển khơi 

Tháng tư xe ngựa về ngang phố 
Đôi mắt nào treo mỗi góc đường 
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa 
Tôi với người chung một bến sông 

Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa 
Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi 
Làm sao anh biết khi xa bạn 
Tôi cũng như chiều : tôi mồ côi 

Tháng tư chăn gối nồng son, phấn 
Đêm với ngày trong một tấm gương 
Thịt, xương đã trộn, như sông, núi 
Tôi với người, ai mang vết thương ? 

Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ 
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài 
Mắt ai rồi sẽ như bia mộ 
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi 

Tháng tư người nhắc làm chi nữa 
Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ 
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng 
Mưa đã chờ tôị Mưa...đã ....mưa 

Mai kia sống với vầng trăng ấy 
người có còn thương một bóng cây 
Góc phố còn treo đôi mắt bão 
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay ?

Du Tử Lê
 
ĐÔI DÒNG GHI LẠI VỀ THI SĨ DU TỬ LÊ 
Bà Phan Lạc Giang Đông ghi

Kính thưa Qúy vị ,

Gần đây... đọc một số bài Thi Sĩ DU TỬ LÊ viết. Tôi cũng xin ghi nhận ít dòng Về Thi Sĩ Du Tử Lê. Ghi nhận khi Ông còn sống... để nếu có gìsai thì Ông cho tôi hay để tôi còn kịp đính chính và xin lỗi.

Thưa....
Vào một buổi sáng sớm Sài Gòn, mưa rả rích...! Tôi không nhớ rõ ngày tháng năm. Nhưng năm đó là năm Thi Sĩ Du Tử Lê ra mắt tập Thơ TAY GÕ CỬA ĐỜI.

Nghe tiếng gõ cửa, tôi ra mở xem ai thì... - một người đàn ông mặc quân phục - Hoa mai vàng đeo trên vai áo .. Dáng gầy gầy , nhỏ con . Ông đậu cái xe vespas ở sân. Ông rất lịch sự yểu điệu nữa là khác, ông tự giới thiệu:

"Thưa chị! Tôi là Du Tử Lê...- chắc chị có nghe tên ? ! "
Tôi vội vàng thưa : 
"Dạ thưa anh, hân hạnh được gặp anh - gặp một Đại Thi Sĩ! - Thưa anh, nhà tôi đi vắng! " 

Du Tử Lê : 
"Phan Lạc Giang Đông - anh ấy về ngay bây giờ - anh đi cùng tôi về đây nhưng còn rẽ vào mua cái gì ở quán đầu ngõ - Anh về ngay bây giờ".

Rồi Du Tử Lê tiếp: 
"Quả thực Giang Đông từ trại về qua tôi luôn nên tôi phải dạy sớm chưa kịp rửa mặt. Xin chị một thau nước ấm! Tôi cần đứng ngoài ngắm trời đẹp và đợi Giang Đông!" ..

Tôi quay vào lấy ngay cho Du Tử Lê một thau nước có pha ngay một bình thủy bự nước nóng.... Tôi để trên cái giá để Du Tử Lê rửa mặt - ngay tại gốc cây hoa đại. Thật đẹp.

Chờ Du Tử Lê rửa xong tôi sẽ dẹp ngay để còn Giang Đông có về đòi rửa mặt thì có thau! Nhưng Du Tử Lê, bê thau xuống đầu hè ngồi có vẻ trầm ngâm, hai tay vẫn thả trong chậu nước ấm mà chưa chịu vắt khô khăn rửa mặt. Tôi mở rộng cửa... thì Du Tử Lê mới sực tỉnh nói: 

"Xin lỗi chị tôi làm mất thì giờ chị vì tôi đang tìm một Từ Ngữ thích hợp cho một câu thơ trong bài thơ tôi mới làm!".

Rồi Phan Lạc Giang Đông về tới.. Xe của Giang Đông máy nổ như sấm vì cái xe gắn máy cũ ấy mà. Giang Đông gặp Du Tử Lê khen ngay : 

"Nè! Du Tử Lê giàu thế? - Cậu đi xe Vespas... mới - Nhất cậu đấy ".

Du Tử Lê: 
"Xe này chị Tuệ mua đấy mà.. Khi chị Tuệ đi đâu thì mình chở dùm chị. Còn bình thường thì mình tự do xử dụng!"

Giang Đông:
"Chị Tuệ Mai - con gái của Cụ Trần Tuấn Khải... giúp cậu là hách lắm rồi- tiếng tăm sẽ bay vèo vèo".

Du Tử Lê và Giang Đông vào nhà ngồi uống cà phê. Hai chàng bàn tính chuyện này chuyện kia.

Du Tử Lê: 
- Mình sẽ ra mắt tập thơ TAY GÕ CỬA ĐỜI nay mai. Nhưng mình mời khoảng độ Hai Chục ANH EM VĂN NGHỆ SĨ thôi. Cũng không có tiền nhiều nên chỉ nấu Xôi Vò Chè Đường và Bánh Ngọt, cà phê. Mình thấy có thể nhờ chị đây nấu dùm mình được không.

Du Tử Lê quay qua tôi: "Chị giúp Du Tử Lê ?!"
Tôi ngần ngại trả lời: 

- "Thưa anh! Con nhỏ mà người giúp việc mới ra - Tôi đi dạy học nữa nên rất tiếc không giúp anh được!".

Du Tư Lê bàn qua chuyện nữa là chuyện Cưới Cô Châu... 

Du Tử Lê: 
- "Cái khó là Mượn Ai đứng Chủ hôn? 

Tôi bỗng hỏi thực thà: 

- "Uả nghe anh có vợ hai con rồi mà sao lại cưới cô Châu nào nữa?!" 

Nhà tôi, biết tính tôi GHEN Dàn Trời nên nghe chuyện này có vẻ tôi không đồng tình lắm. Nên hối Du Tử Lê uống nốt tách cà phê và đi cho lẹ.

Vừa đứng lên thì một Ông Thi Sĩ nữa tới - Ông cũng mặc đồ Quân Nhân... Đeo ba hoa mai vàng lận. Tôi nhớ (Ba hoa mai?!) Ông vừa dựng xe tính vào nhà tôi thì Giang Đông và Du Tử Lê bước ra cửa ngay. Giang Đông :

- "A! Mai Trung Tĩnh - Thôi mình đi chỗ khác bàn tiếp - Rồi mình còn ra nhà in coi báo lên khuôn !"

Sau đó ít ngày thì Giang Đông mang về tập thơ TAY GÕ CỬA ĐỜI - đề tặng của tác gia: DU TỬ LÊ .

Tôi cầm đọc và trân qúy như mình hân hạnh được biết một Đại Thi Sĩ vậy! Rồi Giang Đông kể là: Hắn (Du Tử Lê - gọi tính cách thân tình) đang tính cưới cô Châu - Cô này xinh đẹp - con nhà gia giáo, giàu có. Hắn mê lắm mà kẹt nỗi Hắn có vợ hai con rồi! Bây giờ không biết nhờ ai làm Cha Mẹ Gỉa hoặc Anh Chị Gỉa để Đứng Ra Xin Cưới cô Châu! 

Tôi nghe mà bật ngửa vì Thần Tượng Đại Thi Sĩ đã Bê Bối! Tôi bảo Giang Đông:

"Anh dính vào chuyện này làm gì!" 
Giang Đông:

"Anh không dính nhưng VĂN NGHỆ Là vậy - Thi Sĩ mà Em... Có vậy làm thơ tình mới hay!" 

Bữa cơm hôm đó tôi ăn không ngon vì tôi nghĩ: "Bệnh Du Tử Lê sẽ lây qua Giang Đông mất! Giang Đông sẽ bắt chước!".

- RỒI...
Sau mãi đến năm 1995....- Khi Giang Đông đi sang Mỹ theo diện H.O. Tất nhiên vợ là tôi sẽ lòng thòng đi cùng chứ. Đúng vậy! Tôi đã theo Giang Đông đi Mỹ và định cư tại Seattle - 

Giang Đông khoái làm báo lắm nên khi đến Seattle là vào ngay tờ báo Phương Đông Times - để Xả Hơi trên báo chí . Viết không có một xu teng cũng thức toét mắt mà viết! Độc giả khen chê. Rồi đấm đá tha hồ! 

Rồi lại chính anh chủ báo này nhờ Giang Đông:
"Anh Giang Đông! Du Tử Lê sẽ lên đây ra mắt sách... Tụi em nhờ anh giới thiệu. Anh mới qua thì dứt khoát sẽ đông người tới. Nhất là GiangĐông là bạn cũ của Du Tử Lê từ Sài Gòn nữa!" 

Tôi như cái đuôi của Giang Đông cũng theo đi dự buổi ra mắt sách này. Anh chàng chủ báo bảo tôi: 

- "Cái khó cho tụi tôi là phải đài thọ tiền máy bay cho Du Tử Lê và Bà Vợ - một cô lấy từ CANADA sang (Tôi còn hình cô ta chụp hôm đó)!".

Cô ta độc thân gần ba chục tuổi - không đẹp - không có duyên! Trung bình! Tôi nhìn cô và bảo nhỏ ông chủ báo và Du Tử Lê: 

"Bà này đâu có đẹp đâu mà Du Tử Lê đổi vợ?!" 
Du Tử Lê: 

- "Trông cũng được nhưng mà mình cuối đời rồi cần ổn định cuộc sống - Du Tử Lê mệt mỏi lắm chị ạ!"

Rồi buổi ra mắt sách đã bắt đầu tại một nhà hàng ở Seattle - Ôi hình ảnh nhiều quá chụp cho lắm vào nay tôi còn giữ cho ông chồng đã Ra Đi Vĩnh Viễn! 

Quyển sách ra mắt có tựa đề:
CHỖ MỘT ĐỜI 
EM VẪN ĐỂ DÀNH 
Tùy Bút 
DU TƯ LÊ 

(Tủ sách Văn Học Nhân Chứng)
* Sách Tặng Phan Lạc Giang Đông - (tôi đang để cạnh đây).

Sau khi "Gáy" cho Du Tử Lê ra mắt sách rồi thì... Chia tay nhau, vợ chồng tôi lo đi cày để có tiền sinh sống và nuôi con cháu! 

Đùng một cái, ít lâu sau tôi còn đang ở trong một căn hộ Public Housing thì Giang Đông lại bảo tôi: 

- "Em, hôm nay em nấu bún riêu nha. Anh sẽ có bà Châu, chủ báo sài Gòn Nhỏ lên đây. Bà ấy mời anh làm đại diện cho báo bà ấy ở Seattle - Nhưng anh ngại cộng tác với PHỤ NỮ - Phụ Nữ làm Xếp nắm đầu mình?! Vả lại anh còn đi làm không có thì giờ đi lấy quảng cáo, viết tin nữa...- Nên anh để cho Cao Xuân Hùng nhận việc này! - Vậy là có cả bà Châu và Cao xuân Hùng sẽ đến đây vào chiều mai".

Tôi nói:
"Ra quán ăn đi , em nấu bún riêu dở lắm - Nhất là bà Châu - dân sang khó tính đấy!".

Nhưng ông xã tôi không đồng ý đi tiệm, Giang Đông bảo:

- "Em! Con cái, bà con, anh em đang nghèo đói ở Việt Nam kìa!"

... Rồi
Tôi đã gặp Bà Chủ báo Sài Gòn Nhỏ - và Cao Xuân Hùng tại căn hộ Public Housing mà vợ chồng tôi đang ở.

Bà Châu : Dáng nhỏ nhắn như tôi, nước da ngăm ngăm. Rất Có Duyên. Nói cười liên tục và kể chuyện về Du Tử Lê cùng Cuộc Đời làm Báo của Bà. Bà kể:

- "Khi Cộng Sản đánh chiếm Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư - 1975 - thì Du Tử Lê một mình đã Bay mất ! Tôi ở lại một mình với hai đứa con nhỏ . Tôi ở với cha mẹ tôi . Vì ba má tôi có Quốc Tịch Pháp nên chờ đi Pháp chứ không đi vượt biên - Khi toà Đại Sứ Pháp phải dọn về thì ba má tôi và mẹ con tôi đi Pháp . Khi sang Pháp ở được ít lâu thì tôi nhận được thư ông Du Tử Lê viết THA THIẾT mong tôi và Hai Con qua Mỹ ởcho có vợ có chồng , con cái đoàn tụ với anh - anh nhớ hai con và em lắm lắm . Tôi đọc thư riết nên đã quyết định đem hai con sang Mỹ . Khiđến Mỹ thì tôi về nhà Du Tử Lê - căn hộ hẹp ! Và Du Tử Lê đi làm . Cứ sáng đi tối về . Mỗi khi về tới nhà thấy Du Tử Lê mệt mỏi và tay chân , quần áo lốc thốc dơ dáy ! Mà tiền anh ấy cho đi chợ chả đủ . Nhìn chồng như vậy tôi mới hỏi : Anh à , anh làm nghề gì mà thấy có vẻ vất vả quámà tiền thì không có bao nhiêu . Nhưng Du Tử Lê không nói hiện đang làm gì ! Rồi Du Tử Lê không về nhà như mọi ngày sáng đi chiều về nữa mà một tuần mới về một lần ! Tôi mới thấy thế nào ấy nên đi ra ngoài khu Việt Nam thăm hỏi bạn bè anh ấy coi sao . Tôi được bạn anh Du TửLê cho hay là Du Tử Lê đang có Một Vợ Hai Con ! - Tôi đành chờ Du Tử Lê về và cũng nói thật là bạn anh cho hay như vậy . Tôi cũng nhỏ nhẹnói với Du Tử Lê : Anh à - Anh có vợ và hai con rồi sao còn cứ viết thư bảo em cho hai con qua đây ? ! Bây giờ thì đành chia tay nhau để em lo tương lai cho hai con . Em nói thật chứ ngồi đây mà chết đói sao . 

Du Tử Lê suy nghĩ và quyết định : Nếu em bỏ anh thì em phải làm một cái giấy xác nhận là HAI ĐỨA CON KHÔNG PHẢI CON ANH .

Tôi đau khổ dến tái mặt vì nghĩ KHÔNG NGỜ DU TỬ LÊ ĐàTỒI ĐẾN NHƯ VẬY . Nhưng tôi chợt nhận ra rằng : DU TỬ LÊ Sợ NHẬN HAI ĐỨA CON thì Sẽ Phải CHIA TIỀN để Nuôi ! Tôi liền trả lời : Đây tôi viết ngay trước mặt anh . Khi đưa cho Du Tử Lê cái giấy cho CHÀNG YÊN TÂM là không Phải Chu Cấp cho hai con ! Tôi dẫn hai con tôi ra khỏi nhà , trong tay có đúng HAI ĐÔ LA . Tôi tìm đến một chỗ Bán Fast Food xin việc . ( Bà Châu còn nhấn Mạnh : Cao Xuân Hùng thấy hồi mới sang chị em mình khổ ? - Cao Xuân Hùng cũng làm nghề đó ) Cứ phải chạy theo xe đưa đồ ăn cho khách ! Có lúc muốn đứt ruột ! Nhưng thấy CUỘC ĐỜI THẤM THÍA và Ý VỊ .

Rồi đi học tiếng Anh - Con cái đi học ! - Một thời gian đi chợ thấy Báo Việt Ngữ ở chợ nhiều quá .. Tôi mới nghĩ ra : Mình Làm Báo như họ nè . Dễ chứ khó gì . Tôi đổi nghề quay ra làm nghề CHỦ BÁO và Viết ... - Không ngờ cái nghề này kiếm ăn được . Báo mình bán chạy hơn nhiều báo khác . Thế là bắt đầu họ ganh ghét . Họ chửi : " Nào là Hàng Dược Thảo nói phét - Làm gì có bằng Dược Sĩ ... ! " Thì tôi trả lời : Làm báo như mấy người , cần gì phải cái bằng Đại Học - mà khoe Dược Sĩ - Chỉ cần học hết lớp Năm thôi - Vì Báo Cắt Dán Không mà - Có viết đâu màcần học cho cao ! " .

Bà khoe tiếp : Tôi đã đứng lên được và bây giờ bên phía Mỹ họ quen cho hay là nếu Phát Hành mỗi lần trên 8 ngàn ( hay 10 ngàn ? ! ) số thìhọ giúp giảm tiền chuyên chở phát hành xuống còn 40 % thôi .. Tôi mừng quá nên cần nhiều đại diện ở các tiểu bang Mỹ . Con tôi các cháu đãlên đại học chúng chẳng cần sự giúp đỡ của tôi nhưng có một điều là Cái Tờ Giấy Bố chúng nó yêu cầu tôi xác nhận là Hai Đứa không phải làcon cuả Du Tử Lê ! !!!!!!!!!!!!!!!! " đã làm cho chúng nó bị va chạm tình cảm .

Bà tiếp : Tôi đã mua một biệt thự MỘT TRIỆU ĐÔ LA và Trồng Hoa Lan kiếm lời nữa .
- Cao Xuân Hùng đã nhận làm Đại Diện cho Báo Sài Gòn Nhỏ . Sau Hùng lại đi làm nghề khác ...

Từ đó đến nay Tôi không gặp lại Bà CHỦ BÁO SÀI GÒN NHỎ và cũng Không gặp Du Tử Lê !

Tôi viết lại không có tính cách vì ... Bới Móc mà GHI NHẬN và Chúc Mừng Bà Sài Gòn Nhỏ quá Tài Giỏi - giàu Sang Quá rồi .

Chuyện THI SĨ Lắm Vợ NHIỀU ĐÀO thì thiếu gì nhưng chuyện KHÔNG NHẬN CON MÌNH chỉ vì Sợ Chia Ít Đồng Nuôi Con thì thật Hiếm Quá!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! !!!

***
Cuối cùng tôi cũng XIN LỖI THI SĨ DU TỬ LÊ và Bà HOÀNG DƯỢC THẢO (Chủ báo Sài Gòn Nhỏ) - nếu có gì sai Xin CHO ĐÍNH CHÍNH ngay..
Xin cám ơn Qúy Vị 
(Viết xong lúc 1: 44PM tại Seattle - ngày 3- 16- 2010)
THƯ KHANH (tức bà Phan Lạc Giang Đông)